Thanh long là loại quả được xuất sang Trung Quốc nhiều nhất.
Tại sao luôn là Trung Quốc?
Trong số các thị trường nhập rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm đến 70%, kim ngạch xuất khẩu, tính đến thời điểm này đạt 1,09 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng vị trí thứ hai về kim ngạch là thị trường Hàn Quốc, đạt 59,44 triệu USD, tăng 20%, chiếm 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là Hoa Kỳ, đạt 54,76 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 35,3%.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, mặc dù biết xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu là mua bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đó được xem là hướng đi thích hợp, trong khi việc tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày cũng như yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm khá khắt khe.
Trái thanh long là một ví dụ. Để xuất khẩu loại trái này sang thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ xử lý trái cây theo tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để xử lý, loại trừ ruồi đục quả. Chính quyền các nước nhập khẩu yêu cầu xử lý theo hai phương pháp phổ biến là chiếu xạ và hơi nước nóng.
Công ty Hoàng Phát đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hơi nước nóng để xuất khẩu trái cây sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… (những quốc gia này yêu cầu xử lý). Nhưng do ngành kiểm dịch thực vật các quốc gia này vẫn trong quá trình xem xét hồ sơ của từng doanh nghiệp trước khi cấp phép nên tạm thời hoạt động chính của doanh nghiệp là thương mại - xuất nhập khẩu, trong đó có xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hồng Hưng, Giám đốc Công ty Hoàng Phát, kể, mặc dù biết Trung Quốc là thị trường nhiều rủi ro nhưng vì nhu cầu nhập khẩu của thị trường này quá lớn nên cũng “nhắm mắt đưa chân”. “Xuất khẩu thanh long, người nào khéo thì mất một vài container, người nào không may thì thiệt hại nặng nề”, ông Hưng nói.
Theo Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay, rau quả Việt Nam đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính gồm thanh long ruột trắng, ruột đỏ được chiếu xạ, chôm chôm (thị trường Mỹ); thanh long ruột trắng được xử lý hơi nước nóng (thị trường Nhật); thanh long ruột trắng, ruột đỏ xử lý hơi nước nóng (thị trường Hàn Quốc); thanh long ruột trắng, ruột đỏ được chiếu xạ (thị trường Chi lê); xoài được chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (thị trường New Zealand).
Ngoại trừ thanh long xuất khẩu vào Mỹ đạt 1.200 tấn/năm, các loại trái còn lại chỉ mới xuất được với khối lượng khiêm tốn, trung bình vài trăm tấn/năm.
So sánh giá trị trung bình của 1kg thanh long xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2016 chỉ bằng 1/10 giá trị xuất khẩu vào Mỹ, nhưng con đường để các doanh nghiệp vào thị trường này gian nan hơn rất nhiều so với con đường xuất sang Trung Quốc.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn nhất cả nước hiện nay, nói: “Biết thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro nhưng muốn giảm vai trò của thị trường này rất khó, nhất là trong bối cảnh năng lực kinh doanh hiện tại của đa số doanh nghiệp thanh long nói riêng và xuất khẩu rau quả nói chung còn yếu”.
Hiểu rõ để giảm dần lệ thuộc
TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý và có giải pháp nhằm phát triển xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách ổn định và bền vững. Cụ thể, chính sách biên mậu của Trung Quốc vẫn mang nặng yếu tố bảo hộ, thường là các chính sách hạn chế phổ biến trong một chính sách ưu đãi thương mại đơn phương, không ràng buộc. Do vậy, chúng ta cần phải thường xuyên cập nhật và đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm cảnh báo cho doanh nghiệp.
Trung Quốc là quốc gia có hệ thống chính sách thương mại 2 tầng (thể chế chính sách Trung ương và cơ chế chính sách thương mại địa phương). Do đó, để câu chuyện “được mùa - mất giá” không lặp đi lặp lại, chúng ta phải tăng cường đầu tư nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc nhằm nắm bắt sớm những động thái có thể xảy ra, như đưa ra các biện pháp kỹ thuật và thủ tục hành chính để gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế được những thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Có thể thành lập ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Mời trực tiếp các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến thương mại, chuyên gia của Trung Quốc sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng các hình thức hoạt động kinh doanh như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, lưu kho ngoại quan, tăng cường khả năng thâm nhập thị trường nông sản Trung Quốc.
Phối hợp cùng với việc mở rộng mặt hàng kinh doanh xuất nhập khẩu hiện có thế mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định. Phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc. Thâm nhập kênh phân phối bán buôn thông qua việc thiết lập công ty liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc. Và quan trọng nhất, doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cần phải thay đổi sang phương thức chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại, để xuất khẩu vào thị trường này mang tính ổn định và bền vững.
Kiên trì với thị trường tiềm năng
Vẫn biết chuyển hướng thị trường là điều vô cùng khó, nhưng với những thị trường tiềm năng như: Mỹ, EU, Nhật…, chúng ta cần phải kiên trì.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và PTNT, xu hướng xuất khẩu rau củ quả chắc chắn sẽ tăng trong những tháng cuối năm vì nhiều loại nông sản của nước ta đang tiếp tục được mở cửa ở các thị trường tiềm năng như Australia, Đài Loan (Trung Quốc). “Từ nay tới hết năm, một số loại trái cây vào vụ thu hoạch chính như xoài, rau vụ đông, rau gia vị… nên kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm đạt trên 2 tỉ USD so với con số 1,8 tỉ USD năm 2015”, ông Trung nói. Thế nhưng tiềm năng luôn đi cùng thách thức, từ vài tháng nay, EU đã tăng tần suất kiểm tra lên 20% trên trái thanh long và 50% trên rau gia vị do họ phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép hoặc có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sang thị trường này.
Về vấn đề này, ông Trung cho hay, từ đầu năm tới nay, hầu hết các lô hàng xuất khẩu sang EU đều đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, còn một số lô hàng liên quan tới nhóm rau gia vị và thanh long bị EU cảnh báo về kiểm dịch thực vật và dư lượng thuốc BVTV. Song, số lượng cảnh báo này đã giảm rất nhiều so với những năm trước. “Từ đầu năm tới nay có 4 cảnh báo nhưng không phải hoàn toàn là do dư lượng thuốc BVTV mà còn do lỗi hành chính”, ông Trung nói.
Đối với trái thanh long, Cục BVTV đang kiểm tra chặt vùng trồng, đặc biệt là bốn tỉnh trồng thanh long chính của cả nước. Cục BVTV cũng có chương trình giám sát dư lượng với một số hoạt chất sử dụng cho thanh long tại bốn tỉnh này nhằm hạn chế khả năng bị phía EU cảnh báo.
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long cũng cho rằng, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với khả năng.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, XK vào thị trường Trung Quốc có cái lợi là dù chất lượng thấp vẫn bán được, nhưng giá cả thường không ổn định. Khi gặp vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau quả sẽ bị kẹt lại không bán được, phải đổ bỏ. Giải pháp cho XK rau quả của Việt Nam là phải sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và phải tìm cách tiếp thị đến các thị trường có giá trị cao như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu...”. |
Loan nguyễn/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn