Ngành thủy sản đặt mục tiêu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD.
Kết quả khả quan
Năm 2017, vượt qua nhiều khó khăn, ngành thủy sản vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, giá trị sản xuất đạt 211,8 nghìn tỷ đồng; tổng sản lượng thủy sản đạt 7,225 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,389 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,836 triệu tấn (trong đó, cá tra 1,251 triệu tấn, tôm các loại 723,8 nghìn tấn, tôm nước lợ 683,4 nghìn tấn); giá trị xuất khẩu đạt 8,317 tỷ USD.
So với năm 2016, giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,0%; tổng sản lượng tăng 5,6%, sản lượng khai thác tăng 5,7%, sản lượng nuôi trồng tăng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 18,0%.
Đặc biệt, việc tháo gỡ các rào cản thị trường và xúc tiến thương mại đạt nhiều kết quả. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu tổ chức buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT với một số hiệp hội (VASEP, VPA), một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các bộ, ngành liên quan về việc củng cố phát triển Quỹ xúc tiến thương mại cá tra.
Trước một số thông tin bôi nhọ cá tra Việt Nam tại Tây Ban Nha, Tổng cục đã kịp thời báo cáo, tham mưu Văn bản số 1831/BNN-TCTS ngày 03/3/2017 gửi Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để xử lý; đồng thời, xây dựng băng hình quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam tại Hội chợ thủy sản quốc tế tại Bỉ, Tây Ban Nha và Na Uy.
Trước các điều kiện của đạo luật Farmbill, Tổng cục đã ban hành Công văn 1772 ngày 11/7/2017 gửi các Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đáp ứng quy định của Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ đối với hóa chất, kháng sinh; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch tổng thể ứng phó với Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ; phối hợp, tham mưu và trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 3379/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2017 về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriform xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...
Về việc triển khai chương trình VietGAP, Tổng cục Thủy sản tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình áp dụng và chứng nhận VietGAP gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình nuôi thủy đặc sản có tính đặc trưng vùng miền, mô hình tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường và các mô hình nuôi cá tra xuất khẩu áp dụng và chứng nhận VietGAP; kiểm tra giám sát lần 2 đối với 3 tổ chức chứng nhận; xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm soát ATTP trong công đoạn nuôi cá da trơn xuất khẩu.
Hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, cho biết, 2017 là năm thủy sản đạt kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay với 8,3 tỉ USD, tăng gần 1 tỉ USD so với năm 2016. Giá trị sản xuất và sản lượng đều tăng, góp phần đưa thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những ngành XK của nông nghiệp trong năm qua. Khác với mục tiêu đặt ra ban đầu chỉ khoảng 8,5 tỷ USD trong năm 2018, hiện tại, ngành thủy sản chính thức đặt ra mục tiêu XK đạt 9 tỷ USD. Đây là mục tiêu có thể đạt được.
Đánh giá về thuận lợi cũng như những khó khăn mà ngành thủy sản sẽ đối mặt trong năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, cho biết: Thị trường thế giới đang trên đà phục hồi, khả năng tiêu dùng tăng cao, trong đó có sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, ngành cũng gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thức ăn nuôi thủy sản có nguồn gốc động vật và chống đánh bắt bắt cá trái phép…
Đáng lưu ý là việc Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng đối với thủy sản khai thác vào quý 3 năm 2017, nếu không giải quyết những khuyến nghị mà EU đưa ra sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, kim ngạch XK và tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm nay.
Tăng chất chứ không tăng lượng
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, để đạt được mục tiêu trên, toàn ngành cần tập trung một số nhóm giải pháp như: giảm tổn thất sau thu hoạch, thanh tra đột xuất vật tư đầu vào; tăng trưởng sản lượng tôm, cá tra; tháo gỡ thẻ vàng, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng lĩnh vực; nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát trên biển;...
Trong lĩnh vực khai thác, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, cho hay, chúng ta sẽ không tăng sản lượng khai thác và không tăng thêm số tàu khai thác nhưng cần tăng chất lượng của tàu khai thác thủy sản và chất lượng của thủy sản được đánh bắt, đảm bảo giá trị sản xuất tăng lên. Bên cạnh đó, cần giảm sản lượng khai thác ven bờ, tăng sản lượng đánh bắt xa bờ. Hiện nay, sản lượng khai thác ven bờ chiếm 47%, xa bờ 53%, trong khi tàu cá xa bờ chiếm 32%, ven bờ chiếm 68%. Để làm được điều này, cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích và cần phải làm quy hoạch về bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Ông Oai cho biết, năm 2018, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất thủy sản bám sát định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, định hướng tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản được phê duyệt.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu và kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Các địa phương có vùng nuôi lớn cần lập tổ công tác, bám địa bàn, hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật phù hợp để hạn chế thiệt hại trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thời tiết.
Duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm-rừng ngập mặn, tôm-lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường XK tôm sú trên thế giới. Tiếp tục phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng có lợi thế. Chỉ đạo khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản 2018 phù hợp với biến đổi khí hậu.
Coi trọng tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực).
Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao, tôm hùm, trong đó coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng/từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nhằm đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo nâng cao chất lượng môi trường nước, biện pháp phòng trị bệnh kịp thời, khống chế sự lây lan dịch bệnh giúp giảm thiểu rủi ro gây thiệt hại cho người nuôi đồng thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý địa phương: Quan trắc môi trường những vùng NTTS tập trung tại khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và ĐBSCL (chú trọng các tỉnh ĐBSCL) trên các đối tượng nuôi chủ lực tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, ngao, cá rô phi; tiếp tục hướng dẫn địa phương các biểu mẫu viết bản tin quan trắc và xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường.
VietGAP, giải pháp đột phá
Để tạo đột phá trong triển khai chương trình VietGAP, Tổng cục sẽ tập trung tăng cường truyền thông VietGAP; hoàn thiện các khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên giữa Tổng cục với Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC); triển khai các mô hình chứng nhận VietGAP gắn với xây dựng nông thôn mới, nuôi thuỷ đặc sản có tính đặc trưng vùng miền, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường, cung cấp thuỷ sản an toàn cho Hà Nội; kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận VietGAP.
Tiếp tục tổ chức đoàn công tác truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ tại nước ngoài và các đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng giống tại các vùng sản xuất giống trọng điểm.
Tăng cường công tác thanh/kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS và kiểm tra ngăn ngừa việc sử dụng kháng sinh cấm, lạm dụng kháng sinh trong NTTS.
Quản lý tốt quy hoạch phát triển tàu cá, tái cơ cấu nghề khai thác; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gia tăng sản phẩm khai thác; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhìn nhận, nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản rất nặng nề. Để đạt mục tiêu XK toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 40 tỷ USD, trong đó ngành thủy sản cần đạt kim ngạch XK 9 tỷ USD, những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay là hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua; hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm 2017 sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.
“Trong lĩnh vực khai thác, chỉ đạo không tăng về sản lượng mà kiểm soát tốt năng lực khai thác, thậm chí có thể giảm sản lượng nhưng phải tăng về giá trị, truy xuất được về nguồn gốc, minh bạch hơn để đáp ứng yêu cầu về chống đánh bắt cá trái phép...”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt từ 5,3% đến 5,8%; Tổng sản lượng thủy sản đạt từ 7 triệu tấn đến 7,5 triệu tấn. Trong đó, nuôi tôm các loại là 750 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng cá tra đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2017. |
Khánh nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn