Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 2,41 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ 2014. Thực ra, việc suy giảm đó đã bắt đầu ngay trong tháng đầu năm và kéo dài cho tới hết quý I vẫn chưa chấm dứt, tiếp tục ở cả 2 tháng quý II. Tuy nhiên, với việc ký kết các hiệp định thương mại (FTA) và những nỗ lực xúc tiến mở rộng thị trường, tình hình rất có thể sẽ sớm được cải thiện.
1. Trong 5 tháng qua, 2 thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản đều giảm mạnh, lần lượt 30,13% và 11,31%. Ở chiều ngược lại, có 2 thị trường tăng là Thái Lan (tăng 13,52%) và Hà Lan (tăng 0,21%). Tuy nhiên, đây là 2 thị trường lượng hàng hóa nhập vào không lớn.
Chính vì thế, giá nguyên liệu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra đều thấp, do các nhà máy chế biến hạn chế mua vào.
Riêng trong tháng 5, báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 524 triệu USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được dẫn ra là nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại nhiều nước giảm, đồng thời tại nhiều nước mặt hàng thủy sản đang hồi phục mạnh sau các đợt dịch bệnh từ những năm trước. Chính vì lượng cung tăng lên, nên các nhà nhập khẩu chưa vội ký hợp đồng để chờ giá giảm tiếp. Cụ thể hơn, có thể thấy thời gian qua Ấn Độ, Malaysia và Indonesia đã tăng khối lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ. Giá tôm Ấn Độ giảm mạnh và thấp hơn tôm Việt Nam, làm tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Thực ra, xuất khẩu nông - thủy sản đã có dấu hiệu giảm ngay trong tháng đầu năm nay. Số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng đầu năm 2015 giảm 13,8% so với cùng kỳ.
Thời điểm này, giá cá tra tại ĐBSCL đang ở mức 22.000-23.000 đồng/kg, giảm hơn trước tuy rằng chưa phải ở mức đáy. Còn thị trường tôm nguyên liệu trầm lắng, người nuôi tôm khó có lời khi giá tôm sú chỉ 140.000 đồng/kg (loại 40 con/kg), tôm thẻ chân trắng chỉ 75.000-80.000 đồng/kg (loại 100 con/kg).
Con số của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, quý I, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 140 thị trường đạt giá trị 1,65 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất, tới 28% trong khi tôm chiếm 42% giá trị xuất khẩu thủy sản. Cá tra chiếm 26% và giảm 13%; cá ngừ giảm 9%. Xuất khẩu mực bạch tuộc chiếm tỷ trọng 5,6% và giảm 5%.
2. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trong ngành, vẫn có thể tìm được lối thoát cho thủy sản Việt Nam.
Nếu như việc xuất khẩu giảm mạnh ở một số thị trường chính (nhất là Mỹ và Nhật), thì một số thị trường khác lại có dấu hiệu khả quan. Ngoài Thái Lan và Hà Lan tăng lượng nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian gần đây thì riêng thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh 50%, ASEAN 9% và Nga 11%.
Đặc biệt, việc Việc Nam mới hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu bao gồm 5 quốc gia là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã mở ra một "chân trời mới” cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có thủy sản. Đây có thể coi là những bạn hàng truyền thống, và cũng là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm thủy sản.
Thêm nữa, nhiều động thái tích cực từ Bộ Công thương gần đây cho thấy các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản (trong đó có thủy sản) rất có thể sẽ sớm phát huy tác dụng. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sẽ chú trọng hướng vào các thị trường tiềm năng. Chúng ta sẽ mở rộng các thị trường thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Đây được coi là một khâu vừa mang tính đột phá vừa mang tính lâu dài. Việc ký kết với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu thực sự đã là chìa khóa vàng mở cánh cửa vào hai khu vực này. Quá trình đàm phán, thúc đẩy việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là đã bước vào giai đoạn nước rút. Đó là thời cơ để hàng hóa của Việt Nam (trong đó có thủy sản) đột phá trong thời gian tới.
Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại tăng lên. Thông tin thị trường, thông tin về từng loại sản phẩm cũng được cung cấp đầy đủ hơn, cập nhật hơn, nhằm để doanh nghiệp chủ động.
Khó khăn vẫn tồn tại, nhưng với những gì đã và đang diễn ra có thể hy vọng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ được vực dậy và tăng tốc. Tuy nhiên, cùng với sự trợ lực từ Chính phủ thì vai trò của doanh nghiệp vẫn phải là chủ chốt. Đó là việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và đặc biệt là phải nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm giảm mạnh cùng với những biến động của tỷ giá đồng đôla Mỹ so với các đồng tiền khác đã làm cho xuất khẩu tôm Việt Nam giảm mạnh. Giải pháp cho xuất khẩu tôm năm 2015 là tìm kiếm các thị trường thay thế thay vì tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản. VASEP cho biết, năm 2015 sẽ là một năm nhiều khó khăn cho ngành tôm Việt Nam bởi nguồn cung cải thiện hơn khi Thái Lan đang khắc phục tốt hậu quả của đại dịch EMS (Hội chứng tôm chết sớm). Giá tôm tăng mạnh trong suốt 2 năm 2013-2014 là do nguồn cung thiếu hụt, nay đã bắt đầu giảm và được dự báo là sẽ duy trì xu hướng giảm trong suốt năm 2015. |
N.QUANG
theo daidoanket