Xuất khẩu thủy sản quý I/2016 tăng 1,7%. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN
Dù có sự tăng trưởng, song theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam đang có quá nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phục hồi trong thời điểm hiện nay.
* Từ chối hợp đồng do thiếu nguyên liệu
Theo Tổng cục Thủy sản ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ), tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm.
Đã có khoảng hơn 2.000 ha thuộc vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại.
Tình trạng này cũng đã khiến các hộ sản xuất không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ thả nuôi ở mức độ thăm dò.
Tính đến hết tháng 2/2016, diện tích nuôi tôm nước lợ ở khu vực ĐBSCL đạt 368.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 358.000 ha, chỉ bằng 86,6% so với cùng kỳ 2015; diện tích nuôi tôm chân trắng khoảng 9.700 ha, bằng 72,5% so với cùng kỳ 2015.
Hầu hết các địa phương có diện tích thả giống ít hơn so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch.
Với tình hình này, Tổng cục Thủy sản dự báo sản lượng tôm sẽ đạt thấp tương ứng với diện tích thiếu hụt và có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu trong những tháng tiếp theo.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, từ tháng 12/2015 đến nay, các nhà máy chế biến tôm luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Mặc dù công ty đã có hơn 350 ha vùng nguyên liệu tôm, thế nhưng chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến của nhà máy. Bản thân doanh nghiệp này đã phải chối từ một số hợp đồng xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng.
“Thậm chí, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã phải nâng giá thu mua tôm nguyên liệu trong nước cao hơn 3 USD/kg so với giá tôm mua của Ấn Độ, thế nhưng ngay cả những doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ có thể mua được khoảng 20 tấn đến 30 tấn tôm.
Phần lớn các doanh nghiệp chấp nhận mua giá cao là do đã “lỡ” ký hợp đồng cung ứng sản phẩm gia tăng với đối tác, nên mới phải mua với giá cao”, ông Trần Văn Lĩnh cho hay.
Riêng với cá tra, một số doanh nghiệp nuôi cá tra ở Bến Tre cũng cho biết, vùng nuôi bị nhiễm mặn đã dẫn đến hiện tượng cá bỏ ăn, chậm lớn, xuất hiện các bệnh như xuất huyết, phù đầu, nổ mắt…
Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN
Do đó, tỷ lệ chết rất cao, đặc biệt là khi vận chuyển giữa các vùng có chênh lệch độ mặn, gây thiệt hại nặng nề.
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, trước mắt ảnh hưởng và thiệt hại do xâm nhập mặn là có nhưng chưa đáng kể, bởi các diện tích nuôi cá phần lớn nằm ở những tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, một phần ở Cần Thơ, Vĩnh Long…
Riêng Bến Tre và vùng hạ lưu sông Tiền là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất về sản lượng cá tra. Việc giảm sản lượng này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, giá thành nguyên liệu có thể vì thế sẽ tăng giá cao hơn.
* Kỳ vọng vào mùa tiêu thụ mới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2016 có sự gia tăng, đặc biệt là 2 tháng đầu năm đã tăng 7,2% so với cùng kỳ 2015.
Tuy nhiên, số tăng này chủ yếu là do giá thủy sản xuất khẩu từ đầu năm nay được cải thiện. Trên thực tế, thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn thấp điểm về tiêu thụ thủy sản.
Ngoài yếu tố xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguyên liệu chế biến, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, trong quý 1/2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và chưa có nhân tố nào mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Sự biến động tiền tệ từ năm trước vẫn khiến đồng Việt Nam mạnh hơn so với một số đồng tiền khác. Mặt khác, ở thị trường Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm năng lực cạnh tranh do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá tiền tệ như Thái Lan, Ấn Độ...
Giá thành sản xuất tôm Việt Nam hiện vẫn chưa được cải thiện, còn cao hơn nhiều so với các nước đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu và dịch bệnh nên tỷ lệ tôm nuôi thành công của nước ta hiện vẫn thấp, chỉ khoảng 30% đến 35%. Trong khi đó, ở Indonesia hay Ấn Độ, tỷ lệ nuôi tôm thành công lên tới 70%.
Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, thông thường thời điểm đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do không phải mùa tiêu thụ, nguyên liệu khan hiếm. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý 1 thường thấp nhất trong năm.
“Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy phải qua hết tháng 4, vấn đề xuất khẩu thủy sản mới có sự biến chuyển đáng kể. Bởi sau thời điểm đó, các hội chợ thủy sản quốc tế được tổ chức khá nhiều, các doanh nghiệp trong ngành sẽ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để đưa các thông tin liên quan cũng như ký kết hợp đồng mới, từ đó mới định hình nhu cầu, nguồn cung thủy sản thế giới trong năm. Còn ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đánh giá được xuất khẩu thủy sản năm nay tăng, giảm thế nào”, ông Hòe cho biết.
Liên quan đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tôm trong chế biến, ông Trương Đình Hòe cho rằng, dưới tác động của biến đổi khí hậu có thể làm cho người sản xuất “trùng lại”, do lo ngại dịch bệnh hoặc thiếu nước.
Tuy nhiên, với chu kỳ nuôi từ 2 tháng đến 3 tháng và giá xuất khẩu đang có xu hướng nhích lên sẽ khuyến khích người dân đẩy mạnh việc thả nuôi.
Mặt khác, trong năm 2016, nguồn cung tôm trên thế giới được dự báo tăng 3%, đồng thời nhu cầu về mặt hàng này cũng tăng từ 3,5% đến 5% so với năng 2015.
Về nguyên tắc, nhu cầu tăng hơn so với cung nên giá tôm sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Đại diện VASEP cho rằng, đây có thể là cơ hội để Việt Nam tăng thêm giá trị xuất khẩu trong năm nay.
Đồng thời, với tốc độ xuất khẩu như hiện nay, con tôm có thể duy trì giá trị xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD./.
theo Bnews
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn