Với hai nhóm sản phẩm lớn gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tôm là mặt hàng còn dư địa phát triển rất lớn. Để bảo đảm mở rộng diện tích nuôi trồng tôm, chủ động nguồn giống là một trong những yếu tố khá quan trọng.
“Hiện nay, đối với tôm thẻ chân trắng, đã có 131 doanh nghiệp bước đầu tham gia làm tốt khâu tiếp nhận mua nguồn giống bố mẹ từ nước ngoài về để sản xuất giống tôm. Sản xuất tôm giống bố mẹ trong nước hiện đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thực tế. Dự tính 3-5 năm nữa, với sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể cơ bản làm chủ con giống bố mẹ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Với tôm sú, giống tôm chủ yếu đang tận dụng trong tự nhiên, trước mắt đáp ứng được nhu cầu. Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu một số đề tài để giải quyết vấn đề tôm sú bố mẹ, bởi đây là dư địa đặc biệt có thể mở rộng diện tích nuôi trồng với giá trị kinh tế cao.
Liên quan tới thông tin mới đây Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá khá cao với tôm xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ quan điểm: Khi đã chấp nhận “sân chơi” quốc tế, đương nhiên Việt Nam phải đối đầu với các vấn đề như vậy. Quan điểm của cơ quan quản lý là khi có tình huống xảy ra thì cần tìm cách ứng phó, đề nghị các doanh nghiệp cũng có cái nhìn đúng đắn như vậy. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương để bàn các bước đi tiếp theo.
Ngoài nỗ lực ứng phó với vấn đề áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm từ Hoa Kỳ, việc mở rộng khai thác thị trường khác cũng là yếu tố quan trọng mà Bộ NN&PTNT chú trọng.
Mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã sang Australia thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm nguyên con. Dự kiến, tháng 11 tới, phía Australia sẽ sang tổng kiểm tra điều kiện Việt Nam, mở ra triển vọng thúc đẩy xuất khẩu tôm nói riêng, thủy sản nói chung.
Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn