Nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm trong nước tăng, giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi tăng trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 8/2019 giảm nhẹ 1,6% đạt 352,9 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù xuất khẩu chưa tăng nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn những tháng trước đó.
Trong tháng 8/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt 74,8 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 8/2018. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), xuất khẩu sang Đức tăng 14% trong khi xuất khẩu sang Anh và Hà Lan giảm lần lượt 25,8% và 18,3%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 452,4 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia. Tôm chế biến có thuế suất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%), các đối thủ của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá. Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng nên thị trường này đủ để các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng của mình.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 23% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Tiếp nối đà tăng trưởng dương trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 8/2019 tăng 3,8% đạt 84,7 triệu USD. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng dương sau khi giảm liên tục từ đầu năm. Mỹ vươn lên thành thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tháng 8/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng 3,5% đạt 59,2 triệu USD. Tính tới tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 388,2 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.Với những ưu đãi từ các Hiệp định như VJEPA và CPTPP, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tính tới tháng 8 năm nay vẫn khá ổn định.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Công nghệ chế biến: Mấu chốt tăng giá trị nông sản Việt
Hiện nay, Việt Nam có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên. Để phát huy hơn nữa lợi thế nhiều ngành hàng thì việc cải tiến công nghệ chế biến được đánh giá là yếu tố then chốt.
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giai đoạn từ 2013 – 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 – 2012). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Sản lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm qua.
Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: Hạt điều, lúa gạo, tôm và cá tra…
Từ năm 2018 đến nay đã có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và triển khai trên cả nước với tổng vôn đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tương lai nông sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc lớn vào công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vưa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp hiện đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4-5,5HP/ha (hiện nay 2,2HP/ha)./.