Nông dân Bàu Tròn tất bật xuống giống chuẩn bị cho vụ rau tết.Ảnh: M.PHƯỜNG |
Đi khắp làng rau Bàu Tròn, phần lớn diện tích trồng rau trong vùng mới xuống vụ, lứa nhanh nhất cũng chỉ được 15 - 20 ngày. Là một trong những hộ gieo giống sớm nhất, bà Tăng Thị Thu (người địa phương) cho hay, vụ rau này gia đình bà gieo trồng gần 1ha rau màu, hiện đã xuống giống được 3 sào đất gồm dưa leo, khổ qua, đậu cô ve. “Năm ngoái, giá rau tụt dốc khiến chúng tôi không lường trước được, không biết năm nay sẽ như thế nào? Nếu vụ này mất giá nữa thì bà con nơi đây trắng tay. Mọi năm, đậu cô ve được giá hơn các loại rau khác nên năm nay tôi tăng diện tích trồng đậu cô ve” - bà Thu nói. Theo người dân, rau vụ tết dù giá không cao hơn bình thường nhưng bù lại lượng rau bán ra thị trường nhiều gấp 4 - 5 lần. Hằng năm, người dân phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng/sào (giống, phân, thuốc, bạt, lưới) chưa kể công chăm bón. Theo tính toán, nếu vụ rau năm nay “được mùa, được giá”, trừ chi phí bà con có lãi 5 - 7 triệu đồng/ sào.
Đang tất tả làm đất, ông Phạm Thanh Tuấn, một ngườị dân trong làng cho biết, để phục vụ thị trường tết năm nay, ông trồng chủ yếu khổ qua và đậu cô ve. Giá giống rau không cao hơn mọi năm, gia đình ông vẫn lấy giống ở các đại lý trong vùng. Thông thường phải đến ngày 15.10 (âm lịch) bà con mới bắt đầu xuống giống, nhưng thời điểm này một số hộ có đất ở vùng cao vẫn tranh thủ xuống giống sớm. Nông dân hy vọng kịp có nguồn rau vụ đông cung cấp cho thị trường vì đây là thời điểm rau khan hiếm do thiệt hại của cơn bão số 6 vừa qua. Không chỉ tạo nguồn rau vụ đông, việc xuống giống sớm còn giúp người dân Bàu Tròn chủ động về nguồn cung, giá cả dịp trước và sau tết.
Đặc điểm của gieo trồng vụ rau tết là các nhà vườn không xuống giống một lượt mà phải xuống giống theo đợt. Lý giải về điều này, ông Trần Hữu (người trồng rau ngót nghét 20 năm) nói: “Theo kinh nghiệm, hằng năm đến giữa tháng 9 âm lịch là bà con bắt đầu thu hái lứa rau cũ, thuê máy xới đất làm luống để kịp thu hoạch vụ rau tết. Việc xuống giống sớm có thể sẽ tránh được tình trạng “được mùa, rớt giá”. Cho nên nếu bà con tập trung vào sản xuất cùng một thời điểm thì thu hoạch đồng loạt, đầu ra của nông sản rất khó khăn và giá cả không đảm bảo”. Cũng theo ông Hữu, thời tiết năm nay khô hạn kéo dài, đất khô cứng nên người dân vào vụ mới gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, 3 năm nay vùng đất này không bị ngập lụt, đất đai không được bồi đắp phù sa nên xấu dần theo thời gian. Mặt khác, người dân sử dụng phân bón hóa học nhiều nên đất thoái hóa. Chính vì vậy, cây phát triển chậm, năng suất không cao, rau, củ, quả không được xanh mướt như những năm trước. “Hiện tại, phần nhiều trong số 27ha đất nơi đây người dân đã sản xuất theo hướng rau sạch nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như cung cấp lượng rau sạch cho thị trường tết” - ông Hữu cho biết.
Tác giả bài viết: MINH PHƯỜNG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn