Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 1, ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-80mm. Dự báo từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 6, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét. Trong đợt lũ này, mực nước sông Lục Nam tại Lục Nam; sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên trên mức báo động 1 (4,3m), các sông khác còn dưới mức báo động 1.
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện lũ với biên độ lũ lên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-5m, hạ lưu từ 1-2m; các sông ở Hà Tĩnh thượng lưu lên từ 1-2m, hạ lưu từ 0,5-1m; đỉnh lũ trên các sông còn dưới mức báo động 1.
Lũ ống, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đông Bắc Bộ như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh); Đình Lập, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Sơn Động, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang); huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa); các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An).
Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình.
Từ sáng sớm mưa đã xuất hiện tại nhiều khu vực của Hà Nội. Vào đúng giờ cao điểm, hàng loạt tuyến đường đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Trên nhiều tuyến phố có thể thấy lực lượng cấp thoát nước đã đi dọn vệ sinh các nắp cống để đảm bảo việc thoát nước khi xảy ra mưa lớn.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu mây của bão số 1, hiện đang tồn tại những đám mây đối lưu di chuyển liên tục từ phía đông vào gây ra mưa rào và giông cho khu vực Hà Nội. Trong những giờ tới, những đám mây đối lưu này sẽ tiếp tục gây ra mưa rào và giông cho khu vực Hà Nội. Trong cơn giông cần đề phòng gió giật mạnh.
Hiện tại, nhiều người cũng lo sợ mưa giông và gió mạnh có thể khiến nhiều cây xanh trong nội thành tiếp tục bị gãy, đổ. Sau đợt trận mưa giông bất ngờ xảy ra hôm 13/6 khiến nhiều cây cối gãy đổ đột ngột và thêm nhiều tai nạn thì nhiều người đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc tránh nguy hiểm trong thành phố bằng việc tìm ngay chỗ trú, tránh đi ra đường khi cơn giông diễn ra. Ngoài ra, những người có ôtô và thường xuyên phải để trên hè cũng tìm những chỗ để khác nhằm hạn chế nguy cơ bị cây, cành gãy đổ vào gây hư hại. Ngoài ra, nhiều người cũng đã có tâm lý chọn mua nhiều hơn các loại thực phẩm, rau xanh để tích trữ trong vài ngày tới do lo lắng ảnh hưởng của bão có thể khiến hàng hóa đắt lên.
Ngoài việc hoàn lưu bão gây mưa giông, do ảnh hưởng của đới gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao 2.0-4.0 mét.
Theo Songmoi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn