Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay, hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7.
Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 14/9 phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh): 258mm; Tiên Sa (Quảng Nam): 257mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi): 215mm;...
Hồi 17 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 109,2 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km. Như vậy tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Cơn bão số 3 mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn - Cồn Cỏ. Ảnh Zing.vn |
Do ảnh hưởng của bão, đêm nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10, Sóng biển cao từ 3-4m. Biển động rất mạnh. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ ngày 14-16/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum-Gia Lai có mưa to đến rất to (200-300mm). Từ ngày 15-18/9, có mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (100-300mm) và đồng bằng Bắc Bộ (50-100mm).
Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.
Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh, biển động. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Để kịp thời phòng, chống hậu quả mưa bão, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện số 35/CĐ-TCĐBVN yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I, II, III; các Sở Giao thông vận tải: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các Ban Quản lý dự án 3,4 và 5 triển khai công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3.
Cụ thể, chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra; chuẩn bị dầm, phao, máy móc, thiết bị, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố cầu, đường; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Đồng thời, thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông khi phân luồng.
Ngoài ra, phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai địa phương, bảo đảm tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h; bão số 3 đổ bộ vào đất liền, do vậy phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của cơn bão số 3; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến ảnh hưởng của bão số 3 về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Nguồn: ktdt.vn