Tin từ Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, hôm nay (25/6) ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to; vùng núi nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất…
Đêm qua, do ảnh hưởng của bão số 1, ở Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: TP Sơn La (Sơn La) 195mm; Hải Dương 236mm; TP Thái Bình (Thái Bình) 202mm; Tây Hiếu (Nghệ An) 180mm…
Ảnh minh họa |
Sáng sớm nay (25/6), áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du Bắc Bộ. Hồi 4 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ). Dự báo trong ngày hôm nay, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiếp tục đi sâu và tan dần trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 1 này.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay (25/6) còn có gió giật mạnh cấp 6-7. Biển động. Ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả Nam Tây Bắc). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, hiện nay, do ảnh hưởng từ tàn du của bão số 1, trên khu vực Hà Nội vẫn đang tồn tại những đám mây đối lưu gây mưa rào và dông. Dự báo, trong sáng nay (25/6) những đám mây này sẽ vẫn gây mưa rào và dông cho khu vực Hà Nội trong đó có các quận nội thành.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, cuối giờ chiều qua (24/6), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư phòng chống thiên tai (PCTT) - Văn phòng Ủy ban Quốcg gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và Hà Nội đề nghị theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.
Đồng thời, chủ động phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trên địa bàn. Tổ chức kiểm soát, hướng dẫn người qua lại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu…
Nguồn: KTĐT Online