Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) phối hợp với Hội Giống cây trồng VN và nông dân một số địa phương ở 2 huyện Nam Đàn và Quỳnh Lưu (Nghệ An) phục tráng giống bí đá trái dài nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm rau xanh.
TS Tạ Kim Bính cho biết, sau 3 năm (2011-2013) triển khai đề tài “Phục tráng giống bí đá trái dài và mướp đắc xanh Nghệ An” đã chọn lọc, phục tráng được giống bí đá trái dài với tỷ lệ chọn lọc qua các vụ từ 37,9 - 76,0%, khôi phục được giống gốc ban đầu với một số đặc điểm vượt trội hơn so với giống gốc 10% và hơn giống ngoài SX 10 - 20%.
Thời gian từ trồng đến thu hoạch 90 - 98 ngày; cây cao từ 250 - 255 cm; có trung bình 33 - 36 lá xẻ thùy nông, hình tim màu xanh. Thời gian từ gieo đến khi ra hoa (27 ngày với hoa đực, 38 ngày với hoa cái), quả dài 60 - 80 cm, đường kính quả 7 - 8 cm, nặng 2.400 - 2.600 gr, vỏ màu xanh có nhiều phấn trắng, thịt quả màu trắng xanh, chắc, dày 1,5 cm, ăn ngon, phù hợp với ăn tươi và chế biến. Năng suất thương phẩm đạt 50 - 55 tấn/ha. Quả nhiều hạt, nếu SX để làm giống đạt 240 - 260 kg/ha.
Bí đá trái dài dễ trồng, sai trái, cho năng suất cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh khá tốt, đang được bà con nông dân trong vùng phát triển như một giống chủ lực. Trung tâm Tài nguyên thực vật đang làm thủ tục đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép đưa ra phục vụ SX trong khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ.
Dựa vào đặc điểm giống gốc ban đầu đang được lưu giữ tại Ngân hàng giống cây trồng quốc gia của Trung tâm Tài nguyên thực vật và nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng, đề tài đã xây dựng tiêu chuẩn cho giống phục tráng như sau: Cây có độ dài thân 250 - 255 cm, 34 lá, lá màu xanh, quả dài (60 -75 cm), đường kính quả (7 - 8 cm), thịt quả dày (1,2 - 1,5 cm), khi thu hoạch quả có ít phấn, thịt quả chắc, ít ruột, màu trắng, ăn ngọt. Quả giống nhiều hạt. Hạt màu trắng, hình dạng đều.
Một số khuyến cáo khi trồng giống bí đá trái dài
- Thời vụ: Vụ thu gieo từ 20/8 - 5/10; vụ xuân gieo từ 1/12 - 15/2.
- Chuẩn bị đất: Nếu làm dàn nên trồng luống rộng 1,5 - 2,0 m, mỗi luống trồng 2 hàng cách nhau 80 cm, cây cách cây 40 - 50 cm. Nếu không làm dàn (để cây bò trên mặt luống) thì để luống rộng trên 3,5 m, trồng 2 hàng cách 2 mép luống 15 - 20 cm, cây cách nhau 40 - 50 cm. Khi cây thân chính dài 50 -60 cm bắt ngọn cho bò vào trong vuông góc với mặt luống, cây này song song với cây kia.
- Có thể gieo hạt trực tiếp trên luống có phủ bạt nilon hoặc trồng bằng cây con ươm trong bầu khi có 2 - 3 lá thật.
- Phân bón: Lượng phân tính cho 1 sào Trung bộ (500 m2) gồm: 1 tấn phân chuồng + 10 - 12 kg đạm urê + 15 - 18 kg supe lân + 10 - 12 kg kali clorua. Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân, ¼ đạm và ¼ kali khi lên luống. Bón thúc lần 1 khi cây bắt đầu leo giàn hoặc ngả ngọn bò (sau gieo 30 - 40 ngày) với ¼ lượng đạm và ¼ kali.
Bón thúc lần 2 khi cây ra hoa rộ (55 - 60 ngày sau trồng) với 1/3 lượng đạm và 1/3 kali. Số phân còn lại hòa vào nước tưới khi thấy cây sinh trưởng, phát triển kém. Kết hợp các lần bón thúc là vun gốc và tưới nước đủ ẩm để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
- Chăm sóc: Bấm ngọn khi cây dài 50 - 60 cm cho ra 2 dây chính, sau khi đậu quả 5 - 10 ngày thì định quả sao cho mỗi dây chỉ lấy 1 - 2 quả sẽ cho quả đều và chất lượng tốt nhất.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn