13:49 EST Thứ tư, 25/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thời tiết - Nông vụ - Dịch bệnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Biến đổi khí hậu thách thức ngành nông nghiệp

Chủ nhật - 22/09/2013 01:49
Việt Nam đứng thứ 13 trong số 16 nước hàng đầu chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Những năm qua, nước ta đã chịu tác động xấu của nhiều loại thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng gay gắt, lũ lụt, hạn hán, gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, của cải vật chất và đặc biệt đang thách thức ngành nông nghiệp trước sự phát triển bền vững.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập lụt tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập lụt tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Thách thức ngày càng lớn

Theo Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, có tới 80 đến 90% số dân nước ta chịu ảnh hưởng của bão. Mới đây, vụ sạt lở đất ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa  (Lào Cai) làm 14 người chết và mất tích, 11 người bị thương và tám người chết do sạt lở núi ở ba xã Tân Lập, Tuân Ðạo,  Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Lào Cai). Ngoài ra, xâm nhập mặn xảy ra dọc bờ biển các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ, các tỉnh duyên hải miền trung và khu vực hạ lưu sông Ðồng Nai, đặc biệt ở ven biển Tây Nam Bộ. Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 1,77 triệu ha đất bị nhiễm mặn...

Phó Cục trưởng Trồng trọt Phạm Ðồng Quảng cho biết, tổng sản lượng sản xuất trồng trọt có thể giảm từ 1 đến 5%, năng suất các cây trồng chính có thể giảm đến 10%, đặc biệt đối với sản xuất lúa. Trong trường hợp thời tiết xấu có thể gây mất mùa hoàn toàn. Ngoài ra, nước biển dâng cao cũng làm mặn xâm nhập sâu hơn vào nội địa, khả năng có khoảng 2,4 triệu ha đất bị nước biển xâm nhập, nhiều diện tích chuyên trồng lúa hai vụ/năm sẽ không thể sản xuất được nếu mực nước biển dâng cao 1 m. Hiện nay, mức độ nhiễm mặn hơn 4ọ đã lấn sâu 30 đến 40 km tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 1.300 ha và sẽ tăng lên gần 1.500 ha, ứng với kịch bản nước biển dâng 0,69 m và 1.637 ha với kịch bản nước biển dâng 1 m.

Tại Hội thảo Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu - "Cơ hội và thách thức" được tổ chức tại Hà Nội ngày 10-9 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Phạm Anh Tuấn chia sẻ, hiện tượng thay đổi nhiệt độ, độ mặn nước biển, bão, lũ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thành phần loài cá, cơ cấu mùa vụ, nghề khai thác, ngư cụ khai thác và tính mạng ngư dân. Do vậy, yêu cầu cần thiết phải có định hướng, biện pháp phát triển thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, suy thoái môi trường nước cùng sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu đã dẫn đến bùng phát nhiều dịch bệnh thủy sản nguy hiểm. Và thực tế đã chứng minh như đợt dịch bệnh đốm trắng các năm 2000-2001 trên tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh tôm hùm ở miền trung các năm 2009 -2010, năm 2011 - 2012 xuất hiện hội chứng gan tụy trên tôm nuôi nước lợ khắp cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Các giải pháp thích ứng

Trong giai đoạn 2008 - 2012, ngành nông nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, như áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng; triển khai mô hình lúa - tôm ở đồng bằng sông Cửu Long... Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Ðinh Vũ Thanh, ngành cũng đã xây dựng quy hoạch 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác hai vụ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Theo dự báo, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Chỉ tính trong 15 năm (từ 1996 đến 2011), các loại thiên tai đã làm chết và mất tích gần 11 nghìn người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/ năm. Ðể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch chống ngập cho các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng. Nhiều biện pháp về biến đổi khí hậu và nước biển dâng được lồng ghép vào chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Về tổng thể cần quy hoạch lại vùng sản xuất, các cây trồng chiến lược; nghiên cứu dự báo các cây trồng sẽ có lợi thế trong tương lai. Thí dụ, có phải lúa là cây trồng chiến lược của nước ta và 3,8 triệu ha cụ thể ở đâu? Với các giống lúa và biện pháp canh tác thế nào? Quy hoạch cho sản xuất lúa một cách đồng bộ sẽ như thế nào để bảo đảm an ninh lương thực và bảo đảm thu nhập của người trồng lúa? Về giải pháp trước mắt cần chọn giống ngắn ngày, các giống mới có tính thích ứng cao (hạn, mặn, sâu bệnh...); nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và các vật liệu phân bón mới, thay đổi các biện pháp canh tác và cơ cấu cây trồng phù hợp  tình hình biến đổi khí hậu.

Trước diễn biến tình hình khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống khắc phục thiên tai, Tổng cục Thủy lợi cần thúc đẩy hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống quản lý thiên tai thống nhất từ cấp T.Ư tới địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý rủi ro thiên tai theo Luật Phòng, chống thiên tai khi luật được ban hành, áp dụng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, rà soát, quy hoạch các công trình thủy lợi, đê điều, an toàn hồ chứa; đồng thời điều chỉnh các tiêu chuẩn thiết kế bảo đảm khả năng ứng phó với thiên tai có tính đến biến đổi khí hậu.

Ðể phát triển bền vững, ngành thủy sản cần đầu tư nguồn lực thích đáng trong điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản làm cơ sở xây dựng dự báo ngư trường, phục vụ ngư dân trong khai thác hải sản. Bên cạnh đó, cần rà soát, xây dựng tiêu chuẩn tàu cá phù hợp  những yêu cầu khai thác và an toàn trên biển, củng cố công tác đăng ký, đăng kiểm, phát triển hệ thống thông tin giám sát tàu cá đủ mạnh để bảo đảm an toàn; hướng dẫn ngư dân đánh bắt, tránh trú bão kịp thời trong hoạt động khai thác trên biển. Sự biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ mặn đã tác động bất lợi đến môi trường nuôi, do vậy ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát môi trường là hết sức cần thiết, trước hết với các hệ thống nuôi tôm; đồng thời phát triển các giống thủy sản có tính kháng bệnh, thích ứng rộng...

Ðịnh hướng phát triển và các giải pháp chiến lược trong phát triển sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản để tạo ra các sản phẩm bảo đảm tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những ngành hàng có sức cạnh tranh cao. Ðồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp điều kiện thực tế từng vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh không cao như chăn nuôi, đường mía...

TUẤN NGỌC
theo nhandan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 158


Hôm nayHôm nay : 53782

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1116648

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72799357