Sông suối khô cạn
Nắng nóng kéo dài, người dân Hương Thủy ( Hương Khê) phải đi xin nước về sử dụng
Đồng ruộng nứt nẻ, giếng nước khô cạn... đó là những ghi nhận của chúng tôi khi về vùng “chảo lửa” Hương Khê trong những ngày đỉnh điểm của nắng nóng. Hạn hán xuất hiện làm cho cuộc sống người dân ở đây đảo lộn từng ngày. Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, cây trồng khô héo... dường như gục ngã trước cái nóng 40 - 41 độ C kéo dài suốt 3 tuần qua.
Năm nào cảnh "chạy" nước sinh hoạt cũng diễn ra, nhưng năm nay, nguồn nước càng khan hiếm hơn với người dân Hương Liên. Đặc biệt tại thôn 1, nơi mà nguồn nước của 136 hộ dân chủ yếu trông chờ vào thượng nguồn sông Ngàn Sâu.
Chủ tịch UBND xã Hương Liên Đinh Văn Sánh cho biết: "Ở thôn 1, giếng khoan, giếng đào đều trở nên vô hiệu, sâu trên 30m vẫn không có nước. Bà con phải dùng nước sông, suối nhưng mùa này, sông suối cạn kiệt nên nguồn nước không sạch, bà con phải chắt chiu từ sáng sớm, để lắng mới dùng được. Thiếu nước sinh hoạt mùa nắng nóng đang đe dọa đến sức khỏe, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, kêu gọi hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch nhưng đến nay vẫn chưa có.
Giếng đào khô cạn, ông Lê Đình Thông (ở xóm 9 xã Hương Thủy) đầu tư 20 triệu đồng
để khoan giếng nhưng vẫn không có nước sinh hoạt.
Ông Lê Đình Thông (ở xóm 9, xã Hương Thủy) chưa khi nào thấy thời tiết lại khắc nghiệt, nắng nóng như năm nay. Đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hàng ngày phải đi xin từng xô nước về dùng. Ông Thông chia sẻ: Nhà có một cái giếng đào sâu hơn 11m, bình thường thì đầy nước nhưng hơn tuần nay đã cạn khô. Mỗi ngày phải dùng máy bơm 4 – 5 lần mà không đủ cho gia đình sinh hoạt, khổ sở hết sức.
“Cực chẳng đã, tôi bỏ ra gần 20 triệu đồng thuê người về khoan thêm một giếng nước sâu khoảng 60m trong vườn. Thế nhưng, tiền thì mất mà nước vẫn không có” – ông Thông ngán ngẩm nói.
Nắng nóng kéo dài khiến một số diện tích lúa hè thu bị thiếu nước...
Ruộng đồng nứt nẻ
Người dân Hương Khê không chỉ khó khăn về nguồn nước sinh hoạt mà nắng nóng đã làm cho nhiều diện tích lúa hè thu, cây trồng trên địa bàn bị khô hạn. Cánh đồng lúa, vườn cây khô khốc, nứt nẻ.
Trưởng thôn 2, xã Hương Thủy Phan Khắc Đại cho biết: Theo kế hoạch, vụ hè thu này, bà con sản xuất gần 21 ha lúa nhưng do nước tại các hồ đập trên địa bàn cạn kiệt nên chỉ làm được hơn 10 ha. Nắng nóng kéo dài, hiện có gần 2 ha lúa nguy cơ bị chết vì không có nước tưới.
....đồng ruộng nứt nẻ
Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam Khê Mây. “Mục sở thị” vườn cam hơn 68 ha của Hợp tác xã cam Khe Mây Long Nhâm ở xã Hương Đô, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều cây lá rũ héo, không còn sức sống trước cái nóng như thiêu, như đốt.
Giám đốc HTX Đinh Văn Nhâm cho biết: Cam năm nay sai quả, ước tính năng suất, sản lượng sẽ gần gấp đôi năm ngoái, mỗi cây khoảng 1,5 tạ quả. Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", từ tháng 4 đến nay, trải qua nhiều đợt nắng nóng khốc liệt, không đủ nước tưới nên cam bị “kiệt sức”, nguy cơ mất mùa rất cao.
Nắng nóng gay gắt, cam Khe Mây có hiện tượng héo lá, "kiệt sức",
chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng
Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước Sông Tiêm và Khe Táy đạt thấp nên các xã cuối kênh như Hương Vĩnh, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Giang... gặp khó khăn trong việc điều tiết nước. Ngoài ra, một số công trình thủy lợi của các địa phương không đủ nước tưới sản xuất như xã Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đợt nắng nóng này, trên địa bàn huyện Hương Khê có khoảng 500 ha lúa và 200 ha cây ăn quả bị khô hạn...
Huyện chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp chống hạn
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh lo lắng: Dự báo thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng tiếp tục kéo dài, trong khi đó các hồ đập trên địa bàn đang ở mực nước chết nên lúa hè thu và cây màu nguy cơ chết cháy. Đối với cây ăn quả, sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Trước tình hình trên, huyện Hương Khê cũng đã và đang tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án chống hạn. Đặc biệt, một số địa phương cũng đã hỗ trợ tiền xăng cho người dân để bơm tưới chống hạn cho lúa và cây ăn quả. Ngoài ra, huyện cũng đang phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh có phương án điều tiết nguồn nước liên hồ hợp lý để các địa phương kịp thời chống hạn...
Theo Hữu Trung - Lê Tuấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn