Ảnh minh họa
Ðây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ bà con nông dân đã ý thức và biết tận dụng khai thác tiềm năng đất đai theo lợi thế sinh thái từng mùa để tăng thêm thu nhập. Vấn đề cần đặt ra trước vụ tôm càng xanh năm nay là các nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật phải quy hoạch vùng nuôi và hướng dẫn nông dân nắm vững kỹ thuật nuôi sao cho đạt kết quả tốt, giảm giá thành. Theo đó, cần rà soát vùng nào thời gian nước ngọt quá ngắn, không đủ cho tôm càng xanh lớn đạt kích cỡ thương phẩm, hay chất lượng đất, nước không thích hợp cho tôm càng xanh phát triển thì mạnh dạn khuyến cáo bà con đừng nuôi để tránh tình trạng chạy theo phong trào sẽ tự hại mình và hại lây cho vùng nuôi chính.
Phải có hướng dẫn kỹ thuật nuôi, như việc cải tạo chuẩn bị ruộng/mương, bờ bao; cần thiết phải sên vét, bón vôi để hạ phèn, phơi đáy mương/ruộng, bón phân gây màu nước; hướng dẫn chọn mua nguồn giống tốt, cách vèo dưỡng giống, mùa vụ thả giống và cách chăm sóc, cho ăn, thu tỉa... Ðối với lúa, có thể hướng dẫn sạ hay cấy, nhưng nên cấy thì tốt hơn vì tôm có điều kiện di chuyển dễ dàng theo các khoảng trống trong ruộng. Ðể đảm bảo các vùng nuôi đều thành công, cần phải có sự điều tiết việc cung cấp giống hợp lý, như vùng nào nước mặn về sớm thì cần phải có giống sớm để thả nuôi kịp thu hoạch tôm đạt chất lượng thương phẩm nhằm trả đất kịp cho chuẩn bị nuôi tôm chính vụ năm sau, những vùng nước mặn về trễ có thể được cung cấp tôm giống chậm hơn.
Về phía người nuôi là nông dân các vùng chuyển dịch 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, nếu muốn nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa vào mùa mưa, cần phải tìm hiểu nắm vững kỹ thuật nuôi và phải có sự chuẩn bị trước các điều kiện cần thiết về đất đai, mương/ruộng. Các điều kiện đó là: vùng đất định nuôi phải có đủ thời gian ngọt hoá khoảng hơn 5 tháng để tôm đủ lớn, đạt kích cỡ thương phẩm lúc thu hoạch trước khi đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm sú chính vụ năm sau. Ruộng nuôi phải có bờ bao cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 40-50 cmtrở lên để không bị ngập và không được rò rỉ nước để tôm nuôi không bị thất thoát. Chân ruộng nuôi tôm càng xanh thích hợp là vùng nước bạc có nhiều phù sa và giàu chất hữu cơ hoai mục trong đất, mực nước trên ruộng lúa phải thường xuyên ngập sâu trung bình hơn 25 cm và trên ruộng càng có nhiều mương rãnh sâu trên dưới 1 m nước càng tốt. Do vụ nuôi tôm càng xanh khá dài nên cần bắt tôm giống sớm để nuôi vỗ trước 1-2 tháng nhằm tăng thêm kích cỡ và đủ thời gian chờ khi ruộng có nước ngọt tốt sẽ thả ra. Vì thế, cần chuẩn bị sẵn ô vèo an toàn để quản lý, chăm sóc, cho ăn dưỡng tôm giống lúc còn nhỏ để đạt đầu con sau này.
Về tôm giống, ngay từ mùa khô cần tìm, chọn nơi cung cấp tôm giống có uy tín, đáng tin cậy từ những vụ nuôi trước, tiến hành hợp đồng về số lượng, kích cỡ, chất lượng và thời gian giao nhận tôm giống cụ thể để chủ động có giống trước, kịp thả nuôi vèo cho đạt kích cỡ, sẵn sàng thả ra ruộng nuôi đảm bảo mật độ con/m2 theo khuyến cáo khi nước ngọt về. Người nuôi tôm càng xanh cần tìm hiểu tài liệu kỹ thuật cẩn thận để chăm sóc tôm nuôi cho thật tốt. Phải biết những loại thức ăn bổ sung tốt cho tôm và cả kỹ thuật chế biến, cách cho ăn để tôm càng xanh phát triển tốt, nhằm sớm thu tỉa bán được giá cao, tăng thêm thu nhập.
Nên nhớ, tôm càng xanh chỉ có giá trị cao trên thị trường hay trên bàn ăn khi đạt kích cỡ thương phẩm nhất định dưới 10-15 con/kg, còn trên 20 con/kg thì xem như không có giá trị gì mấy. Chính vì thế, chỉ có tôm càng xanh đực, có trọng lượng khoảng 100 gr/con trở lên mới có giá, còn tôm cái thường phải mang trứng sớm nên kích cỡ luôn quá nhỏ, không đạt yêu cầu của thị trường. Ðây là điểm cần lưu ý để nông dân trong quá trình nuôi tiến hành thu tỉa những con đực đạt kích cỡ bán trước, vừa được giá, vừa giảm áp lực tôm cạnh tranh mồi và cũng là lý do vì sao người nuôi có nhu cầu cao đối với giống tôm càng xanh toàn đực./.
Mục Ðồng (Báo Cà Mau)