Ghi nhận tình hình chăn nuôi tại Vĩnh Phúc cho thấy, từ trước Tết Nguyên đán 2 tháng, giá heo hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại, hiện ở mức 32.000 - 34.000 đồng/kg; với mức giá này, người chăn nuôi đã thu hồi được vốn để đầu tư tái đàn sau Tết. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, giá heo hơi thời gian tới rất khó dự đoán do vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, đa phần các chủ trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn đang nghe ngóng tình hình, chưa dám mạo hiểm đầu tư tái đàn mạnh. Với chăn nuôi gia cầm có nhiều khởi sắc hơn, các hộ đầu tư tái đàn cho gia cầm tăng về số lượng và có xu hướng mở rộng quy mô hơn. Như tại xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, nhiều hộ gia đình đã đầu tư cho tái đàn. Anh Lê Văn Huy ở thôn Độc Lập cho biết, trước Tết gia đình xuất bán được 3.000 con gà với giá bán 56.000 - 58.000 đồng/kg, thu trên 100 triệu đồng. Ngay sau khi xuất bán hết lứa gà này, gia đình anh bắt đầu vệ sinh chuồng trại và sau Tết tiếp tục tái đàn với số lượng 4.000 con gà. Theo ông Dương Quốc Tuấn, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Lập Thạch, sau Tết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản vẫn được giữ vững, số lượng đàn trâu bò và đàn heo vẫn phát triển bình thường. Riêng đối với đàn gia cầm, đặc biệt là đàn gà thịt có sự tăng trưởng, tập trung ở các xã nằm trong định hướng quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc.
Giá heo vẫn lên xuống thất thường Ảnh: Xuân Phú
Là một trong những địa phương có vùng chăn nuôi phát triển, toàn tỉnh Yên Bái có 627.000 con gia súc, trong đó, đàn trâu trên 106.300 con, đàn bò trên 27.600 con, đàn heo trên 493.000 con; đàn gia cầm 4,6 triệu con. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 5.500 tấn. Theo quy luật, thời điểm sau tết Nguyên đán, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thường tập trung vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn trở lại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, giá thịt heo hơi giảm hoặc lên xuống không ổn định, gây thua lỗ nặng nên nhiều hộ đã giảm đàn, thậm chí “treo chuồng”. Một số cơ sở chăn nuôi có tiềm lực về vốn, tự sản xuất được con giống thì mới tái đàn trở lại nhưng cũng đã giảm số lượng vật nuôi vì sợ tiếp tục thua lỗ. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Yên Bái đã và đang chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, khuyến cáo người dân duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp con giống phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định trở lại. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi đầu tư số lượng tổng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tái đàn ồ ạt và đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn vật nuôi.
Còn tại Hải Phòng, theo Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng), sau Tết, các hộ chăn nuôi tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương tái đàn gia súc và gia cầm. Tại các địa phương có phong trào chăn nuôi trước đây phát triển mạnh như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương, nông dân dè dặt tái đàn với số lượng giảm khoảng 10 - 30% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, heo tái đàn giảm mạnh, giảm 20 - 30%, đàn gia cầm giảm hơn 10%.
Để tránh gặp phải rủi ro, thiệt hại lớn về mặt kinh tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái khuyến cáo, các hộ chăn nuôi nên nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Trong tái đàn, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài địa phương cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt quá cầu hoặc khi giá lên cao, người chăn nuôi lại không có gia súc, gia cầm để bán, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ để phát triển chăn nuôi bền vững.
Ông Triệu Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý Giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) Ninh Bình cho biết, người dân cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp nguồn con giống phục vụ nhu cầu tái đàn của các hộ dân khi thị trường ổn định trở lại. Đồng thời, người nuôi đầu tư số lượng tổng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tái đàn ồ ạt và đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn vật nuôi. Đối với các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine; đồng thời tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kiểm soát chất lượng con giống đầu vào.
Trưởng phòng Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng Phạm Văn Hoãn chia sẻ, trong năm 2018, các ngành chức năng trực thuộc sở tham mưu, đề xuất với thành phố hỗ trợ kinh phí vốn vay phát triển trang trại cho 50 hộ chăn nuôi. Theo đó, các huyện đề xuất hộ chăn nuôi có khả năng phát triển trang trại quy mô lớn, có năng lực phát triển chăn nuôi hiệu quả để được xét duyệt, hỗ trợ vốn vay.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, năm 2018, giá heo sẽ nhích lên một chút so với hiện nay, nhưng người chăn nuôi heo cũng không có lời lắm. Lý do, nguyên liệu TĂCN như như bắp, đậu nành, cám gạo đều đã tăng giá, một số loại vitamin thậm chí còn tăng từ 2 - 10 lần. Nếu với giá heo như thế này, năm 2018 chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn