PGS.TS Mai Quang Vinh, người tham gia iMetos VN cho biết, báo chí từng đề cập đến công tác phòng chống thiên tai thiếu áp dụng khoa học, nhiều nơi chỉ đạo chống lũ mà không biết mưa ở đâu, lũ đến lúc nào và chỉ đến khi người dân ngồi trên mái nhà mới hô hào cứu trợ….
Thực tế, người dân giờ không biết trông cậy vào đâu khi nghe các thông tin cãi vã đổ lỗi cho nhau của các cơ quan chức năng sau các trận thiên tai. Nào là cơ sở nói khí tượng thủy văn dự báo chỉ có mưa 200 mm nhưng thực tế lên tới 600 mm, thủy điện nói đã báo trước xả lũ 6 giờ, người dân bảo không biết gì, rồi hòa cả làng, đổ lỗi tại… ông trời! Cuối cùng, chỉ có người dân là chịu thiệt hại, song không biết kêu ai?
VN cũng đã sử dụng các công nghệ hiện đại như viễn thám vệ tinh, GPS, ra đa thời tiết với cả một mạng lưới các trạm khí tượng, thủy văn với 395 trạm đo thời tiết nhưng tác dụng cụ thể dự báo thời tiết, thiên tai vẫn còn nhiều bất cập.
Đại biểu các Bộ, ngành và địa phương tham quan Trạm IMetos-AG tại Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc (Việt Trì, Phú Thọ)
Đã có khá nhiều các trang thông tin thời tiết, khí hậu toàn cầu, miễn phí như Accuweather.com, Weather-forecast.com, Weather Flow… cài đặt trên các phương tiện thông tin cầm tay tiện dụng như điện thoại thông minh Smartphone, iPhone, iPad, laptop… Các phương tiện đó chỉ cung cấp những thông tin dự báo chung cho từng vùng và chi tiết lắm là đến từng tỉnh, với 4 lần phát/ngày, độ chính xác và mức độ ổn định rất khác nhau nên chưa thể đủ độ tin cậy để phục vụ phòng chống thiên tai cho từng vị trí chi tiết, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Vì lẽ đó, người dân cũng không thể chủ động phòng tránh thiên tai, đặc biệt là những loại thiên tai bất thường có liên quan tới từng điều kiện địa lý cụ thể. Đứng trước bất cập đó, các nhà khoa học VN đã tập hợp lại với nhau để cho ra đời công nghệ quan trắc dự báo, cảnh báo thời tiết Imetos.
Nói về công nghệ Imetos, theo PGS.TS Mai Quang Vinh thì có thể hiểu nôm na: Một con người mới chỉ có 5 giác quan (gọi là ngũ giác) để cảm nhận, truyền về hệ thống thần kinh trung ương phân tích và phản ứng với những gì đang xảy ra xung quanh, có vậy con người mới có thể tồn tại.
Chúng ta tạm ví xã hội loài người như một thực thể sống trong tự nhiên, KH-CN hiện đại đã cho ra đời có tới 300 xúc giác (gọi là các Sensors - cảm biến) để thu nhận mọi biến đổi của môi trường, khí hậu, thời tiết và công nghệ xử lý các thông tin này tại chỗ, truyền theo mạng không dây như internet, mạng thông tin di động từ mặt đất, từ vũ trụ về trung tâm phân tích, kết nối với hệ thống quan trắc thời tiết toàn cầu (mà VN có tham gia).
Sau đó, xử lý với các máy tính siêu tốc có thể tiến hành hàng trăm tỷ phép tính trong 1 giây (sec) và đưa ra các khuyến nghị tức thời phản ứng với các biến đổi, thiên tai gây thiệt hại cho cộng đồng.
Công nghệ iMetos là một công nghệ kết nối thông minh do các Hãng Công nghệ Pessl Instruments (Áo), hãng Dự báo thời tiết toàn cầu Meteoblue (Thụy Sỹ) và các nhà khoa học VN hợp tác phát triển và đang được ứng dụng có hiệu quả tại 80 nước với trên 30 nghìn trạm thời tiết và khí hậu tự động phục vụ cho tiều vùng.
Mỗi trạm được đặt trực tiếp trên địa bàn có khả năng làm việc hoàn toàn tự động (sử dụng pin mặt trời, kết nối internet bằng hệ thống thông tin di động D COM-3G, bao quát một khu vực có đường kính 10 - 50 km, với độ chính xác, ổn định và tin cậy cao theo sơ đồ công nghệ như sau(hình minh họa).
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thạch, một trong những nhà khoa học của Imetos VN nhấn mạnh: Trong năm 2013, iMetos VN đã trao tặng, chuyển giao, lắp đặt và khảo nghiệm đạt hiệu quả cao 8 trạm tự động tại 6 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum), tổ chức thành công 2 hội thảo toàn quốc, tổ chức 3 hội nghị nghiệm thu, đánh giá cấp tỉnh.
Công nghệ và thiết bị này đã được cấp chứng chỉ EU lưu hành toàn cầu, được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cấp giấy chứng nhận kiểm định/hiệu chuẩn cho phép đưa vào sử dụng như 1 thiết bị chuyên ngành.
Trên thế giới hiện các trạm này đang cung cấp trực tiếp tại hiện trường các số liệu quan trắc thời tiết - môi trường tự động, dự báo thời tiết 6 ngày, sâu bệnh cây trồng với độ chính xác cao 70 - 90%, góp phần cảnh báo bão, lũ quét, cháy rừng, quản lý an toàn hồ đập cho một khu vực nhỏ.
iMetos VN đang hợp tác với các bộ, ngành, địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Kon Tum… xây dựng hệ thống quan trắc tự động iMetos-AG, iMetos-PRO, ECO-D2 với khả năng cung cấp cập thời được các thông số thời tiết - khí hậu (lượng mưa, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, bức xạ mặt trời, áp suất khí quyển, tốc độ gió, hướng gió, độ ướt lá, độ ẩm đất, mực nước, lưu lượng dòng chảy thuộc lưu vực sông suối, hồ đập tại từng địa điểm đặt trạm);
Hệ thống tích hợp 5 ngưỡng báo động trực tiếp qua điện thoại di động (lượng mưa (max), nhiệt độ (max, min), độ ẩm (max, min), tốc độ gió (max), mực nước (cao trình tại các lưu vực sông, suối, đập, hồ chứa nước); hệ thống được kết nối tự động, có thể đặt thời gian phát đáp 10 - 20 - 30 - 60 phút/lần/24/24h với hệ thống trạm thời tiết - khí hậu tự động iMetos-AG, iMetos ECO-D2 đang hoạt động trên địa bàn quản lý;
Hình minh họa
Dự báo thời tiết tiểu vùng 1 - 6 ngày trên cơ sở kết nối dữ liệu của KTTV toàn cầu, KTTV VN với số liệu thực do trạm đo được đã đạt độ chính xác trung bình 70%, dự báo 24 giờ có thể đạt tới độ chính xác 90 - 100%. Đặc biệt, dự báo tương đối chính xác thời điểm bắt đầu, kết thúc và lượng mưa cụ thể sẽ xảy trên địa bàn. Chức năng dự báo thời tiết trong 6 ngày tiếp theo đã giúp địa phương nắm bắt được diễn biến thời tiết để từ đó có những ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, hệ thống có thể kết nối, thiết lập hệ thống trang website với tên miền VN phục vụ thông tin thời tiết và cảnh báo thiên tai phục vụ SX nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản giúp ích cho việc điều hành, quản lý quy mô cấp tỉnh, huyện, có thể tiến tới kết nối với hệ thống cảnh báo thiên tai toàn quốc, hệ thống KTTV quốc gia (quản lý an toàn hồ đập, mưa lũ, cháy rừng, giông lốc tố, sương mù, sương muối, băng tuyết, nước biển dâng, xâm nhập mặn, cảnh báo dịch sâu bệnh cây trồng, dự đoán năng suất, quản lý canh tác cây trồng cấp huyện và trang trại lớn…).
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Imetos VN, có một khó khăn hiện nay là do đặc điểm tự nhiên của các khu vực miền núi rất phức tạp và khác nhau đối với từng vị trí hay khu vực nhỏ, nơi không có đủ số lượng trạm đo thì tai biến thiên nhiên ở đó vẫn có thể rất khác nhau.
Để khắc phục tình trạng đó, các nhà khoa học đang lập nên hệ thống hỗ trợ ra quyết định (gọi là hệ thống DSS) bao gồm những bản đồ tai biến tiềm ẩn tỉ lệ lớn, phần mềm xử lý nhanh thông tin về lượng mưa kết nối với trạm đo, từ đó, khi lượng mưa lớn tới ngưỡng giới hạn, có thể cảnh báo sớm về tai biến cho từng vị trí cụ thể trong khu vực.
Hệ thống lắp đặt trực tiếp trên từng tiểu vùng, lưu vực hồ đập, sông suối với bán kính với tầm bao quát 5 - 25 km/trạm, mỗi huyện đồng bằng chỉ cần 1 trạm, các huyện miền núi, hải đảo cần 2 - 3 trạm với chi phí rất thấp, trung bình 200 triệu đ/trạm với tuổi thọ 5 - 7 năm và kết nối tự động qua hệ thống internet, hệ thống thông tin di động cung cấp thông tin về cao trình (lượng nước) hiện có trong hồ đập, dự báo lũ ngắn hạn trước 24h cho đến 6 ngày khi có thể mưa lớn, cung cấp căn cứ khoa học để xử lý các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, có thể nâng thời gian báo động xả lũ từ 6h như trước đây lên tới 24h, báo trước được các thiên tai, dịch họa khác trên quy mô tiểu vùng, không để người dân quá bất ngờ trước các hiểm họa khó lường của thiên nhiên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn