Tuy nhiên, việc phát triển ngành này còn nhiều hạn chế, khoa học kỹ thuật lạc hậu, thiếu vật chất kỹ thuật, môi trường ô nhiễm,…
Nhiều khó khăn, hạn chế
Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Theo số liệu thống kê đến năm 2018, diện tích thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười là 14.713ha, trong đó tỉnh Long An chiếm phần lớn - 9.170ha. Sản lượng thủy sản nuôi nước ngọt đạt 634.465 tấn.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản tại đây gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng bất thường, là điều kiện thuận lợi cho bệnh thủy sản phát sinh. Quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập. Nuôi trồng thủy sản chưa chú trọng tới việc đa dạng hóa loài nuôi, làm tăng tính rủi ro và giảm tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Giống thủy sản ở các địa phương khó kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Công tác quản lý chất lượng đầu vào và giám sát quá trình sản xuất, điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản gặp nhiều khó khăn...
Để phát triển nuôi thủy sản bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải phát phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững vùng Đồng Tháp Mười” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An tổ chức, TS. Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện Kinh tế Quy hoạch thủy sản phía Nam, cho rằng: Hiện nay mới chỉ có quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho từng tỉnh trong vùng Đồng Tháp Mười mà chưa có quy hoạch nuôi trồng thủy sản chung cho cả vùng. Do đó, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ mô hình nuôi cá tra, phần lớn người dân nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, không đồng bộ, vì thế, cần xây dựng đề án cho phát triển cá nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười.
Theo ông Trần Thanh Phong, Phó tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cải thiện chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu là cần thiết để ngành cá có thể phát triển bền vững.
Ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, nhấn mạnh, để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ con giống từ nơi sản xuất, tăng cường kiểm dịch để đảm bảo chất lượng giống, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng hợp các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt bền vững.
Về công tác quản lý của ngành và địa phương, cần quy hoạch vùng nuôi và quản lý quy hoạch; đầu tư và tạo điều kiện cho phát triển vùng sản xuất tập trung; quản lý đầu vào của sản xuất: nguồn giống, thức ăn, chế phẩm..; tạo điều kiện về cơ chế cho doanh nghiệp, nông hộ mở rộng quy mô sản xuất theo hướng áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản...
Về kỹ thuật, tiếp cận và phổ cập nhanh nhất tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản nước ngọt; thống nhất quy trình nuôi chung của vùng, đồng thời linh hoạt trong điều kiện đặc thù của khu vực....; nắm vững kỹ thuật xử lý những bất thường trong sản xuất, phòng trừ bệnh hại; nắm vững thông tin về những rào cản kỹ thuật của một số thị trường chính và biện pháp cần tuân thủ.
Trên cơ sở đó, TS Trần Văn Khởi đề nghị, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trong vùng cần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng các đối tượng cá nước ngọt chủ lực. Viện nghiên cứu thủy sản cần nhanh chóng tổng kết tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nông hộ, hệ thống khuyến nông địa phương để mở rộng phục vụ sản xuất đại trà. Các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất với người nuôi theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện phát triển bền vững cả cho doanh nghiệp và cả nông dân.