“Tháng 6-2015, tôi bắt tay vào chuẩn bị ruộng đất, làm trụ và khi lượng mưa ổn định thì bắt đầu xuống hom giống thanh long ruột đỏ. Hơn nửa năm gắn bó với loại cây trồng này, tôi nhận thấy trồng chúng không khó. Chỉ cần chịu khó vất vả giai đoạn ban đầu, còn sau này khi cây ổn định thì khá nhàn nhã”-anh Phương tâm sự.
Hiện vườn thanh long ruột đỏ của anh Phương đang chuẩn bị thu trái đợt đầu tiên. Tham gia mô hình này, anh được hỗ trợ giống, kỹ thuật, một phần vốn và vật tư phục vụ cho quá trình chăm sóc nên rất thuận lợi. Hơn nữa, cũng nhờ sự hỗ trợ này mà gia đình anh còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp ở Vĩnh Long với mức giá là 65 ngàn đồng/kg thanh long ruột đỏ. “Thanh long ruột đỏ trước nhà tôi có trồng vài trụ rồi nên khi nghe đề cập trồng thanh long thay lúa nước bị hạn, tôi ưng ngay. Giờ tôi có thể yên tâm khi chọn hướng đầu tư loại cây này, đồng thời cũng không còn canh cánh nỗi lo hạn hán, thiếu nước như trước nữa”-anh Phương chia sẻ.
Anh Phương là một trong số 6 hộ đầu tiên tham gia mô hình chuyển đổi cây trồng vùng hạn do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ triển khai. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, toàn huyện Đức Cơ sẽ tiến hành chuyển đổi 85 ha cây trồng vùng thường xuyên bị hạn sang các loại cây trồng chịu hạn, tập trung tại các xã: Ia Din, Ia Kriêng, Ia Krêl... “Một số loại cây trồng được đưa ra để áp dụng chuyển đổi là: thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, cỏ voi, bắp lai… Thanh long ruột đỏ và chuối tiêu hồng bước đầu cho kết quả khả quan, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và có khả năng thích nghi cao với điều kiện đất đai thiếu nước tưới”-ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết. Đây là những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, thị trường tiêu thụ cũng khá ổn định. “Hiện nay, mô hình trồng chuối tiêu hồng triển khai trên 3 hộ ở xã Ia Krêl, mỗi hộ triển khai chuyển đổi 0,2 ha. Chuối đang cho thu hoạch, năng suất khoảng 100 buồng/sào/tháng. Giá bán khoảng 50-60 ngàn đồng/buồng, trừ chi phí người dân thu lãi 5-6 triệu đồng/tháng”-ông Tư cho biết thêm.
Theo ông Tư, khó khăn đặt ra trong việc chuyển đổi giống cây trồng vùng hạn chính là ở tâm lý ngại thay đổi, kém năng động của chủ vườn ruộng. Gần như 100% diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn là của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. “Tập quán canh tác của họ lâu nay phụ thuộc vào tự nhiên, thời tiết. Trong khi đó, vấn đề đầu ra cho nông sản gần đây không ổn định cũng phần nào tác động xấu đến tâm lý người dân, khiến họ do dự. Hơn nữa, vụ sản xuất Đông Xuân trùng với thời gian thu hoạch một số loại cây công nghiệp nên người dân không quan tâm lắm đến việc sẽ tìm một loại cây khác để canh tác trên diện tích đất ruộng bị hạn”-ông Tư phân tích. Nắm được các yếu tố đó, huyện Đức Cơ đã có chủ trương hỗ trợ giống, kỹ thuật và chi phí đầu tư, chăm bón cho các hộ tham gia chuyển đổi. Đây có thể coi là yếu tố tạo sức hút đối với nông dân, để họ có thể yên tâm bắt tay vào việc chuyển đổi, tạo hiệu quả kinh tế cho chính mình.
Tương tự, tại huyện Chư Pưh, việc chuyển đổi giống cây trồng vùng hạn đã và đang thu hút sự quan tâm cả từ phía chính quyền lẫn người dân. Theo thống kê, đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã có trên 510 ha lúa bị hạn, trong đó có một phần diện tích trước nguy cơ mất trắng. Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa” áp dụng trên diện tích 50 ha lúa thiếu nước thường xuyên tại cánh đồng các xã: Ia Phang, Ia Rong và thị trấn Nhơn Hòa. Cụ thể là chuyển đổi qua trồng cây đậu xanh và bắp lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Các hộ tham gia được hỗ trợ 75% tiền giống, 50% chi phí vật tư thiết yếu (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…). Sau hơn 2 tháng xuống giống, diện tích bắp đang phát triển rất tốt và chuẩn bị cho thu hoạch; năng suất ước đạt 35-40 tấn/ha. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã làm việc với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, Công ty này cam kết thu mua với giá 1.100 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi ha bắp có thể cho thu về khoảng 30 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây lúa, trong khi không phụ thuộc nhiều vào vấn đề nước tưới. Bên cạnh đó, mô hình trồng đậu xanh với quy mô 25,75 ha, triển khai tại các xã Ia Phang, Ia Dreng và Ia Hrú cũng bước đầu cho kết quả tương đối khả quan. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, huyện Chư Pưh sẽ chuyển đổi khoảng 200 ha lúa nước tại các vùng không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại cây khác cho khả năng chịu hạn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn