Cánh đồng thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) càng về chiều, không khí lao động càng tất bật. Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Đội đồng này, chúng tôi đã hoàn thành gieo cấy, thế nhưng, mấy ngày trước gặp mưa lớn, gây ngập úng sâu. Giống gieo xuống chết hết, phải bừa lại từ đầu. Nay nhận được giống hỗ trợ thì chúng tôi ngâm ủ làm lại bằng cách gieo thẳng mới kịp thời vụ”.
Dù thời vụ đã kết thúc, bà con vẫn tiếp tục làm đất gieo cấy lúa hè thu.
Toàn bộ diện tích gieo sau cùng này của Tùng Ảnh chủ yếu sử dụng giống VS1 (giống ngắn ngày) nhằm giúp bà con chủ động ứng phó với thời tiết xấu cuối vụ. Dù thế, đến nay, địa phương này cũng chỉ hoàn thành được 30-40 ha lúa hè thu (trong tổng số 170 ha).
Ông Lê Doãn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Diện tích hè thu chắc chỉ dừng lại ở đó, chiếm khoảng 1/4 kế hoạch. Nguyên nhân là do xã nằm ở vùng trũng, nếu gặp mưa thì rất khó khăn cho việc thoát lũ, trong khi đó, chi phí đầu tư sản xuất cao, hiệu quả lại thấp nên bà con không mặn mà”.
Lịch “chốt” thời vụ xuống giống vụ hè thu 2017 vừa đi qua (10/6), hầu hết các địa phương không thể hoàn thành kế hoạch như chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó. Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, ngoại trừ Cẩm Xuyên (100%), Kỳ Anh (99%) thì đến ngày 12/6, các vùng sản xuất khác, tỷ lệ gieo cấy phổ biến từ 60-80%. Nhiều nơi chỉ vừa mới… quá bán như: Lộc Hà, TX Hồng Lĩnh, Hương Sơn. Nguyên nhân được đưa ra là vào lúc cao điểm xuống giống, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng đã làm chậm tiến độ gieo cấy của các địa phương. Hàng trăm ha lúa hè thu buộc phải gieo cấy lại vì ngập úng. Ngay sau những trận mưa, nắng nóng xuất hiện khiến một số diện tích vừa thả giống xuống đã bị “luộc” chín.
Ông Nguyễn Xuân Nhân - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Toàn xã có khoảng 2 ha giống lúa bị chết buộc phải chỉ đạo bà con gieo cấy lại đảm bảo diện tích. Dù không có nắng nóng kéo dài, song diễn biến thất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ gây bất lợi cho sự sinh trưởng của lúa”.
Từ Thạch Hà đến Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, nơi lúa đã lên xanh, nơi chỉ mới bắt đầu làm đất. Nguy cơ diện tích bỏ hoang nhiều khả năng sẽ không giảm bớt so với năm ngoái. Ở Thạch Mỹ (Lộc Hà), diện tích lúa toàn xã là 340 ha, sang đến hè thu, số đủ khả năng gieo cấy chỉ còn lại 155 ha do thiếu nước tưới.
Nước vẫn đầy chân ruộng ở Đức Thọ
“Vào thời điểm này, chúng tôi cũng đã gieo 40 ha và 20 ha lúa cấy hè thu, nhanh nữa cũng phải cuối tuần này mới xong hết diện tích theo kế hoạch. Số diện tích còn lại xã sẽ chuyển sang làm lúa mùa, vì thời điểm đó mới có mưa” - Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Viết Anh cho hay. Không chỉ Thạch Mỹ, hiện tượng bỏ hoang diện tích còn xảy ra ở Mai Phụ, Tân Lộc… Một trong những nguyên nhân chưa khắc phục được hiện trạng này là do dự án kênh trục sông Nghèn chậm tiến độ.
Bỏ hoang, để lúa tái sinh tiếp tục diễn ra tại Đức Yên, thị trấn, Tùng Ảnh (Đức Thọ). Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, có khoảng 200 ha bỏ hoang trong vụ hè thu này. Mặc dù huyện và các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt và có chính sách cụ thể khuyến khích nhưng vẫn không thay đổi được tập quán của người dân. Chẳng hạn như ở Đức Yên, xã này đã mạnh dạn hạch toán khoảng 300 triệu đồng, hỗ trợ khâu làm đất, giống cho bà con sản xuất hè thu, thế nhưng, chỉ nằm trên giấy tờ vì không ai có nhu cầu. Thậm chí, bà con thà để lúa tái sinh chứ không sản xuất, cũng không cho mượn hay thuê, khiến cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp không ít khó khăn.
Theo Nguyễn Oanh - Bình Hoàng/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn