Nuôi tôm càng xanh VietGAP ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn)
Với sức mua của thị trường, sản lượng TCX An Giang mang thương hiệu VietGAP hiện nay chưa cung cấp đủ nhu cầu cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt để vùng nuôi hướng đến tiêu chí sản phẩm chất lượng cao, nền tảng để phát triển bền vững vùng nuôi thời gian tới. Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết: "Trung tâm đã sơ kết gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường TCX giai đoạn 2015 -2016. Trong 2 năm nuôi TCX, người nuôi tôm tại xã Phú Thuận (Thoại Sơn) còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Cuối năm 2015, diện tích nuôi TCX ứng dụng công nghệ cao đạt 55 héc-ta. Tuy nhiên, do áp lực nặng nề từ thị trường, tác động biến đổi khí hậu, tính kém thích nghi của mô hình nuôi trước đó nên đến đầu năm 2016, diện tích thả nuôi giảm xuống còn 35,7 héc-ta. Nhờ trung tâm tích cực tuyên truyền sâu rộng về nuôi TCX công nghệ cao, đã có 70% hộ thả nuôi tôm toàn đực thay đổi thói quen nuôi, người nuôi đã biết ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại, nâng hiệu quả kinh tế; giúp tôm nuôi có màu sắc đẹp và tăng kích cỡ. Trung tâm đã tích cực hỗ trợ hộ nuôi về kỹ thuật, quản lý mô hình, chủ động xây dựng các giải pháp kỹ thuật mới, chính sách hỗ trợ khyến khích toàn bộ các hộ nuôi TCX toàn đực ở Phú Thuận tham gia VietGAP. Với tiêu chí xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng và đồng bộ, đến nay đã có 38,7 héc-ta nuôi TCX được chứng nhận VietGAP".
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, tất cả các hộ nuôi TCX trong tỉnh đều được hưởng chính sách vay ưu đãi lãi suất 7%/năm. Riêng năm 2016, trung tâm hỗ trợ 100% chi phí con giống để 4 mô hình thí điểm mạnh dạn ứng dụng quy trình mới; hỗ trợ 50% chi phí con gống cho hộ đăng ký chứng nhận VietGAP mới và hộ đã được chứng nhận đăng ký thả lại, đồng thời đảm bảo đầu ra; thành lập nhóm chuyên trách 6 kỹ thuật viên trực tiếp quản lý, hỗ trợ các các hộ nuôi về kỹ thuật.
Ngoài cung cấp con giống chất lượng, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm TCX của An Giang thông qua việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi tăng kích cỡ tôm thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và thực hiện đánh giá chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Phú Thuận (Thoại Sơn). Hiện tại, đã thực hiện thành công bốn mô hình thí điểm nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu 2016 và gói tài chính - kỹ thuật - thị trường TCX giai đoạn 2015-2016, dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2017 -2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí của thị trường trong xu thế hiện đại. Ngoài ra, mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu do Trung tâm Giống thủy sản An Giang xây dựng năm 2016 dự kiến sẽ được ứng dụng cho các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2018.
Trên nền tảng triển vọng con TCX, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Nuôi TCX toàn đực trong ao đất giai đoạn 2016-2020”, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Giao Trung tâm Giống thủy sản An Giang điều hành thực hiện tại huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân. Mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển TCX theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững; mở rộng và phát triển đối tượng thủy sản nuôi phục vụ xuất khẩu, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Tới đây, An Giang sẽ hình thành vùng chuyên canh nuôi TCX toàn đực trong ao đất theo công nghệ cao tại huyện Châu Phú, Thoại Sơn, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu tôm thương phẩm ổn định, đảm bảo đủ về số lượng. Tôm thương phẩm đạt chất lượng cao và có kích cỡ lớn, nhằm đáp ứng tốt cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, mô hình nuôi tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nuôi; giúp các ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các hộ nuôi sẽ đạt được lợi nhuận tăng thêm 30% so với mô hình truyền thống trên cùng diện tích sản xuất. Đặc biệt, tạo sự gắn kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra, giải quyết vấn đề mấu chốt: Thị trường đầu ra cho TCX.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi, phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi TCX toàn đực theo công nghệ cao trên toàn tỉnh đạt 300 héc-ta. Phát triển sản phẩm TCX đặc thù của tỉnh tiến tới trở thành đối tượng chủ lực cho xuất khẩu thay thế con cá tra. Mở rộng, khuyến khích phát triển vùng nuôi mới ở Châu Thành, Phú Tân. Tận dụng ao nuôi cá tra bỏ trống, đa dạng hình thức nuôi và đối tượng nuôi; tăng kích cỡ thương phẩm, hướng tới đạt kích cỡ xuất khẩu, góp phần tăng lợi nhuận và thu nhập cho người dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn