"Con voi lửa" đang “uống” cạn sông Ngàn Phố
Tháng 5 này, mùa hè gọi hoa phượng dọc bờ sông Ngàn Phố nở sớm hơn mọi năm. Nhưng lạ kỳ, loài cây chịu nhiệt giỏi nhất này năm nay hoa cũng sớm phai màu và rụng cuống. Tôi theo ông Chí ra bờ sông Ngàn Phố trong một buổi trưa hè chang chang nắng, bờ sông ràn rạt gió. Lẫn trong tiếng gió là tiếng ve sầu kêu ra rả. Chao ôi! nghĩ mà thương cho con sông Ngàn Phố thơ mộng đang khô dần khi mỗi ngày mặt trời hóa thành "con voi lửa" thản nhiên “uống” cạn nước.
Ông Chí chỉ khúc sông trước mặt:
- Cậu nhớ không? Đây là bến Lội, nhiều người thấy cái tên hơi nghịch lý, bởi bến nước này đã trở thành nút giao thông nối đôi bờ. Tới bến Lội, ai cũng phải qua đò ngang nhưng từ khi có cầu treo Nầm thì bến Lội vắng hẳn. Còn bây giờ, nước sắp khô tới đáy, người ta lội qua bến còn dễ hơn lội qua mương nước.
Đập Tràng Lầy ( Sơn Bình) ở mức nước “ chêt”. (Ảnh: Sỹ Thông) |
Nhìn sang tả ngạn sông Ngàn Phố, từng bờ tre xanh mướt, nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông nước xanh biêng biếc ngày nào, giờ đây, những thân gầy guộc lá nhuộm he, nhuộm vàng, lá khô trút xuống mặt sông, nổi lều phều. Gió tây nam phả hơi nước vào bờ cây, tưởng làm dịu không khí ngột ngạt, nhưng không, chính nó lại làm tăng thêm sự nóng bức. Tre, chuối, xoan, ổi, nhãn... và không ít cây trồng dọc bờ sông đều chết khô, chết héo. Tôi căng mắt nhìn ra bờ cát trải ven sông, tuyệt nhiên, không thấy một bóng người. Từng đợt gió tây nam trườn qua, xát lại, dựng thành những cột bụi trắng.
Bất chợt, tôi thấy một người phụ nữ từ dưới bờ sông đang tiến về phía mình. Chiếc đòn gánh uốn cong như muốn chạm vào đất với 2 rổ bắp vàng chất đầy. Cả người chị mồ hôi ướt sũng, mặt đỏ như gấc.
- O Ngụ siêng nhất xóm Đình đó, có hẳn 2 sào đất để trồng ngô, đậu ở bờ sông này - ông Chí bảo.
Nghe thế, chị Ngụ dừng gánh bên bến, lễ phép chào khách và cho biết:
- Khổ quá! chưa năm mô như năm ni. Em đang lo nếu nắng hạn thêm vài tuần nữa thì đôi trâu nhà em không biết lấy chi ăn. Cả 3 tuần nay nhốt trong chuồng, không kiếm được cỏ đành phải băm chuối, nấu ngô cho nó ăn; đã thế, nước uống lại càng khổ hơn. Giếng nhà em ngay trước sân, từ trước đến nay lúc nào nước cũng trong và đầy ắp, nhưng năm nay, dùng gàu múc xuống tận đáy, mỗi ngày chỉ được 2 thùng. Nếu dành nấu cơm thì người thôi tắm giặt, nếu dùng nước tắm thì phải nhịn ăn. Còn trâu thì dành nước vo gạo hay rửa rau cho nó uống. Nói thế, chứ người dân ở các xã miền xuôi Sơn Trà, Sơn Bình còn khổ hơn nhiều.
Người dân Phố Châu khốn khổ vì thiếu nước. |
Tôi trèo lên đỉnh núi Nầm nhìn xuống mới giật mình, sông cạn tới mức đứng từ xa vẫn trông rõ sông đang phân nhánh rẽ dòng, có khúc đọng lại thành vũng hình bán nguyệt, có đoạn đùn ra những cây bần, cây sú với gốc rễ kinh dị như xương khủng long. Các vực sâu, vực xoáy dưới chân cầu treo Nầm, nơi tôi đã từng chứng kiến những lần lũ về, những con sóng tung bờm, dâng cao vài mét, nước đỏ lòm, nghiền nát cả gốc cây cổ thụ trôi dạt vào đấy. Vậy mà, bây giờ, nhìn xuống vẫn thấy rõ từng ngọn rêu xanh lờ nhờ, phủ quanh những tảng đá nhọn, gồ ghề. Buồn nhất là những cánh đồng từ thượng nguồn Sơn Kim đến hạ nguồn Sơn Long nằm bên sông Ngàn Phố bao đời được sông ru khúc tình ca bằng dòng nước mát, giờ đang “khát” khô, còn sông Ngàn Phố thì như đang “đỏ nước mắt”. Những dòng kênh được bê tông hóa đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Bất giác, tôi lại nhớ hôm một người làng xuống nhà chơi và tâm sự: "Năm ni nóng tới mức hói Phố nước không còn một giọt". Hói Phố gọi theo tiếng địa phương là dòng suối lớn, thường chảy ra sông Ngàn Phố, giờ không biết có nên gọi là "hói Khô" không, bởi tìm được một vết bùn non đã khó, nói chi tới nước. Cả dòng hói chỉ còn những cây dại và lởm chởm những hòn đá to như chum, như vại bị nắng nung đen xỉn. Người ta bảo, trăm khe, suối đổ về sông mới thành dòng chảy bất tận. Nhưng khi hói Phố, hói Trùa cạn, tất cả những con suối, con khe nơi sinh thủy đầu nguồn Hương Sơn đều cạn thì lấy đâu ra nước để đổ vào sông Ngàn Phố. Sông không đủ nước, làm sao đủ nguồn nuôi đất, nuôi cây. Thảm họa nắng nóng ở Hương Sơn là cái giá phải trả của những bàn tay vô thức và tàn nhẫn chặt phá rừng đầu nguồn.
Từ nhà ra đồng, đâu đâu cũng hầm hập
Ở lại quê nhà một đêm nhưng tôi không tài nào ngủ được, dầu cậu em vợ vẫn dành cho một chiếc quạt mới mua. Khốn nỗi, bật quạt lên, gió nóng lại phả vào mặt nên đành phải tắt. Mồ hôi lại vã ra. Tôi dùng khăn tắm thấm nước, trùm lên đầu cho đỡ nóng. Nhưng chỉ được vài phút, người lại nóng hầm hập, đến mức, nằm trên phản, trên ghế mà cứ ngỡ da thịt mình chạm phải lò than. Mẹ vợ tôi năm nay ngoài 80, thường ngày ăn đã ít, đợt này, mỗi ngày, con cháu động viên, nài nỉ lắm cụ chỉ gắng được vài thìa cơm với canh mồng tơi. Cả tuần nay, bà hết nằm lại ngồi trên chiếc chõng tre, tay luôn phe phẩy chiếc quạt mo.
Sông Ngàn Phố đang cạn dần vì nắng nóng |
Càng về đêm, gió lào càng thổi mạnh, trời vẫn dày đặc sao. Tiếng gió rít khiến con trâu trong chuồng giẫm chân liên tục, gà cũng thao thức đập cánh. Cậu Thiên nằm chẳng ngủ, lại giục vợ nấu thêm nồi nước chè xanh uống cho đỡ khát. Nó bảo tôi: "Nắng nóng nên chè được giá, nhưng người ta không dám bán nhiều vì sợ cắt phàm vườn chè sẽ hư". Nghe nó tâm sự, tôi mới hiểu, cuộc mưu sinh trong mùa nắng ở chợ quê thật hẩm hiu. Cả tháng nay, hàng tạp hóa ở chợ Đình đều ế ẩm. Hàng thịt, hàng cá cũng vắng khách. Nhiều gia đình mít chín khô trong vườn cũng không thèm hái. Cả làng tôi, từ già tới trẻ, chẳng ai trọn được một giấc ngủ ngon. Không ít ông già, bà lão gầy xọp, nhiều cụ kêu đau mỏi, tức ngực, thở hổn hển... Thương nhất là anh Trần Học (xóm Cao Giang), thương binh hạng nặng, bị bệnh tâm thần đã hơn 20 năm. Thường ngày, anh đi lang thang, bạ đâu nằm đấy nhưng đợt này, có trưa, anh chui xuống bờ khe, người phủ đầy bùn.
Gà mới gáy hết canh ba, bà con làng tôi đã tranh thủ ra đồng cày đất, đốt cỏ. Họ tranh thủ làm để tránh nắng, nhưng ai cũng bồn chồn, lo lắng, bởi ruộng cày lên không có nước cũng vô ích. Làng tôi như một ốc đảo nên lũ đến thì ngập xóm, ngập làng; hạn tới, đồng khô, cỏ cháy.
Khô hạn đang diễn ra nhiều nơi trong toàn tỉnh. (Ảnh chụp tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) |
Tảng sáng, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh rú Dài, tôi tranh thủ cưỡi xe máy đi từ đầu thôn tới cuối xóm. Những cánh đồng: Cửa Thần, Nác Gát, Họ, Lấu, Trau, Trằm, Nẩy... không ít chân ruộng bị bỏ hoang. Chú Dinh - người chú họ nhà tôi, chép miệng: "Chú sống hơn 8 thập kỷ nhưng chưa có năm nào nắng hạn như năm ni. Chú nhớ, năm lên 10 tuổi, làng ta cũng có một đợt hạn nặng, nhưng lúc đó, đồng Trằm, đồng Nẩy trũng nên vẫn có nước. Người ta dùng nơm, nhủi đổ xô đi bắt cá giữa nắng hè. Nhưng bữa ni, đồng nẻ toang, nẻ toác".
Tôi đứng tần ngần một hồi lâu trên cánh đồng Nẩy, chỉ thấy những con chó vàng lăng xăng đi tìm chuột ở bờ mương. Đã 2 tháng nay không được một giọt mưa, người dân đào ao hồ xung quanh đồng để lấy nguồn nước dự trữ, nhưng tất cả ao chuôm đều trơ đáy. Nếu có lũ tiểu mãn, thì hơn 2 ha ruộng mới cấy được lúa hè thu. Xã tôi có con đập Kẹm, nhưng khi nhắc tới, mọi người đều ngán ngẩm, bởi công trình thủy lợi này lúc nào cũng nằm dưới "mực nước chết".
Cứ tưởng quê tôi nắng hạn đã cực, nhưng lên thăm ông bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh tại thị trấn Phố Châu lại càng cực hơn. Gặp tôi, Đậu Bình đưa cho xem một tập ảnh chủ đề "Nắng nóng ở Hương Sơn". Nào cảnh người đang vất vả đào giếng, nào ao rau muống ruộng nẻ chân chim, nào những chú dê khát quá đang chụm đầu uống nước trong chậu… Ông Phạm Tiến (khối 10 thị trấn Phố Châu) sốt sắng nói: "Gia đình tui ở đây đã lâu đời, nhưng chưa có năm mô nắng nóng như năm ni. Cả xóm, cứ 10 giếng nước thì chỉ còn 2 giếng chưa cạn. Thiếu nước mùa này, cuộc sống người dân rất cực". Cũng theo ông Tiến, hiện nay, phong trào thuê thợ đào và khoan giếng đang lan rộng nhiều thôn. Nhưng không phải đất nào cũng "bắt trúng mạch nước", ít nhất, mỗi giếng với độ sâu 10-15m phải đào mất 5-10 ngày. Giếng khoan thì phải sâu 35-40m.
Ba ngày về thăm quê giữa mùa nắng nóng, nếu ghi nhật ký, tôi sẽ ghi rằng: Tại Hương Sơn, trong trận hạn lịch sử này, đồng đã khô, sông đã cạn, người đang khát. Lãnh đạo huyện Hương Sơn đang cùng dân tìm cách chống hạn. Không biết mục tiêu cấy 2.000 ha lúa hè thu có thực hiện được không? Chỉ biết rằng, hiện tại, cán bộ đi kiểm tra hệ thống hồ đập trên địa bàn, trữ lượng nước chỉ còn 30% dung tích thiết kế. Người dân muốn đặt máy bơm dã chiến cơ động nhưng không tìm đâu ra nguồn nước để bơm. Nghĩ vậy, tôi chỉ biết cầu trời tắt nhanh nắng nóng, mong cho mưa về tắm mát đất Hương Sơn.
Phan Thế Cải
Tháng 5/2015
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn