Hai xã Thành Thới A, Thành Thới B hiện có khoảng 500 hộ sống bằng nghề trồng lác với diện tích trên 70ha. Với giá lác khô như hiện nay (14.000 - 15.000 đồng/kg), mỗi đợt thu hoạch, trừ chi phí, nông dân có thu 80-100 triệu đồng/ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thành Thới A cho biết: Nơi đây mỗi hộ trồng ít nhất 1 công (1.000m2) lác. Lác là loài cây ưa nước, chịu hạn, trong khi nhiều người trồng cây ăn trái khác đang lo chạy lũ thì người trồng lác vẫn thảnh thơi. “Vì thế, mùa nước mặn hay lũ về nông dân không phải lo sợ, an tâm làm việc khác để có thêm thu nhập, còn cây lác vẫn phát triển tốt, không sợ bị thất thu”, ông Hải nói.
Thành Thới B có gần 90% số hộ sống bằng nghề trồng lác và dệt chiếu lác, hàng năm sản xuất ra hàng triệu đôi chiếu, tiêu thụ ở khắp nơi trên cả nước. Gia đình anh Nguyễn Văn Mảnh ở ấp An Trạch Tây (xã Thành Thới B) gắn bó với nghề trồng lác 20 năm nay. Mấy năm trước, giá lác bấp bênh, cuộc sống của nông dân còn vất vả nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, giá lác tăng cao, nhiều người có điều kiện làm giàu. Năm nay, với 3 công đất vườn, anh Mảnh đầu tư trồng lác. Với giá lác như hiện nay, anh Mảnh ước thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Đứng trên bờ nhìn xuống ruộng lác, anh Mảnh tâm sự: “Loại cây này không chỉ dễ trồng mà còn đem lại nguồn thu nhập khá, giúp nhiều hộ làm giàu”.
Gia đình anh Trần Văn Hùng ở ấp Thới Khương, xã Thành Thới A cũng là một trong những hộ điển hình làm giàu từ cây lác. Anh Hùng kể: “Khi lập gia đình tôi chỉ có vẻn vẹn 1 công đất, sau vài năm tích luỹ, tôi mua thêm 2 công đất nữa để trồng lác. Mấy năm nay lác được giá, mỗi vụ gia đình thu lãi gần 30 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống đã khấm khá hẳn lên. Nghề này góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Hiện, nhu cầu của thị trường về cây lác khá lớn, sau khi lác được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua”.
Cũng như việc sản xuất nhiều loại nông sản khác, nghề trồng lác của nông dân Thành Thới A, Thành Thới B cũng trải qua nhiều thăng trầm do biến động của giá cả thị trường. Tuy vậy, với những giá trị mang lại, cây lác vẫn được người dân duy trì, đặc biệt là những hộ có ít đất canh tác. Giá cả ổn định ở mức cao đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho người trồng lác. Hai năm có thể thu hoạch 5 vụ lác, với năng suất bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 10 tấn/ha, trong đó có từ 50 - 60% lác loại 1, - trừ chi phí, 1ha lác cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa.
Trồng lác chỉ vất vả vụ đầu, sau đó có thể khai thác trong 8 - 10 năm. Sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần để nguyên phần gốc và vét sạch lá ủ cho nước vào ruộng là lác có thể mọc, không cần phải cấy lại.
Từ hiệu quả của mô hình trồng lác mang lại, chính quyền hai xã Thành Thới A, Thành Thới B đang vận động nông dân tận dụng những vùng đất xấu, cấy lúa năng suất thấp để mở rộng diện tích loại cây này, từ đó tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Phương Nghi (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn