Khu vực nuôi trồng thủy sản Suma (Thạch Bàn), vốn được xây dựng từ dự án “Hỗ trợ và phát triển thủy sản biển và nước lợ dựa vào cộng đồng” (gọi tắt là dự án Suma), do tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng nhằm giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật, không đủ nguồn lực để đầu tư bài bản, nên hiệu quả không như mong đợi. Sau nhiều năm bỏ hoang, năm 2013, HTX Nuôi trồng thủy sản Diêm Hải thuê lại một phần nhỏ diện tích của dự án để nuôi trồng các loại thủy sản như: cua, cá, tôm. Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, nên HTX gặt hái được thành quả ngay từ vụ đầu. Chỉ một thời gian ngắn, hàng chục hộ dân trong và ngoài xã Thạch Bàn kéo nhau về đây để đầu tư nuôi tôm thâm canh, vì vậy, từ một vài ha ban đầu, diện tích nuôi tôm đã phát triển lên 37 ha.
Ngày càng nhiều người dân đầu tư nuôi tôm tại xã Thạch Bàn (Thạch Hà). |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn - Nguyễn Viết Hải, khi quy mô nuôi trồng còn nhỏ lẻ, các hộ nuôi dùng chung điện với pha điện phục vụ sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, khi số lượng hồ nuôi phát triển, mạng lưới điện dân cư không tải nổi, nên các hộ nuôi đã kêu cứu huyện Thạch Hà. Từ nguồn vốn của đề án phát triển bền vững KT-XH các xã chịu ảnh hưởng của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà đã phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng 2 trạm biến áp công suất 500 KVA với tổng mức đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng.
Tưởng rằng, sau khi xây dựng trạm biến áp thì nhu cầu sử dụng điện để nuôi tôm của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, trong khi diện tích nuôi trồng và nhu cầu sử dụng ngày một tăng thì việc dự báo phụ tải, thiết kế công suất tại 2 trạm biến áp lại hạn chế nên vừa đóng điện, hệ thống dây dẫn, máy biến áp đã gặp sự cố. Theo một cán bộ Công ty Điện lực Hà Tĩnh: “Lẽ ra, khi khảo sát, đầu tư xây dựng, chủ đầu tư cần tính toán nhu cầu sử dụng của người dân một cách khoa học, đằng này, khi thiết kế, họ không cộng số dư của phụ tải, thậm chí, chỉ số phụ tải còn âm so với điện năng sử dụng nên việc cháy phụ tải, mất điện là đương nhiên”.
Theo ông Hồ Thái Liệu (hộ tham gia nuôi tôm ở Thạch Bàn), vì nằm cuối đường dây nên ao nuôi của ông luôn lãnh đủ hậu quả mỗi khi cháy phụ tải, biến áp. Có đêm mất điện 7 lần, thời gian xử lý sự cố kéo dài cả tiếng đồng hồ. Mặc dù có máy phát dự phòng, nhưng công suất nhỏ nên mỗi lần như thế, tôm nổi đầu, chết rải rác. Còn theo hộ nuôi tôm Thân Văn Tự, nếu có điện thì 3 dàn quạt sục khí sẽ hoạt động hết công suất, nhưng khi mất điện, máy phát chỉ đủ cấp điện cho 1 hoặc 2 dàn quạt nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của tôm. Được biết, do mất điện liên tục nên một số hộ nuôi phải thu hoạch non, chịu lỗ bán tôm khi chưa đến ngày thu hoạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên nhân lượng điện năng tiêu thụ vượt quá nhu cầu phụ tải thì việc chập, cháy điện liên tục tại 2 trạm biến áp phục vụ nuôi tôm ở Thạch Bàn còn xuất phát từ khâu quản lý vận hành. Mặc dù đơn vị thi công đã hoàn thành việc xây lắp và đóng điện nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa nghiệm thu công trình để bàn giao ngành điện quản lý. Cũng bởi “nóng tay, bắt lỗ tai” nên huyện Thạch Hà mới tạm “mượn” công trình để cấp điện cho các hộ dân. Thành ra, việc vận hành, quản lý cũng đang lỏng lẻo, mỗi khi gặp sự cố phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục. Bên cạnh đó, do chưa được nghiệm thu, bàn giao cho một đơn vị cụ thể nên việc điều tiết, quản lý nguồn điện đang nhập nhằng. Do vậy, hiện tượng mất điện vẫn thường xuyên tái diễn và người nuôi tôm lại “sống trong sợ hãi”.
Ngô Tuấn - Thế Công
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn