Đêm về sáng ngày 23.7, do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp bị một bộ phận không khí lạnh nhỏ từ phía bắc nén yếu, nên Bắc Bộ có mưa, mưa rào và giông đều khắp, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo sấm sét mạnh.
Lượng mưa thu được tính từ 19 giờ ngày 22.7 đến 7 giờ 23.7 phổ biến từ 20-45mm. Một số nơi mưa to như Thủ đô Hà Nội 70mm, TP Hà Đông (Hà Nội) và TP Hải Dương (Hải Dương) nhiều hơn 99mm..., đặc biệt tại TX Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có mưa rất to lượng lên tới 116mm.
Mây trong bão số 4 |
Nhiệt độ giảm phổ biến từ 3-4 độ C, thời tiết chuyển mát, nắng nóng ở miền Bắc chấm dứt. Vùng núi đêm và sáng sớm trời lạnh, các vùng núi cao rét nhẹ.
Lúc 7 giờ 23.7, quan trắc được nhiệt độ thấp nhất các địa phương vùng núi đồng loạt giảm. Cụ thể, núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) giảm tới 20,5 độ C; Mù Cang Chải (Yên Bái) xuống mức 21,3 độ C; Ngân Sơn (Bắc Cạn) 22,2 độ C. Sa Pa (Lào Cai) giảm đến 17,9 độ C.
Hồi 7 giờ 23.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khoảng 390km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (từ 75-102 km/giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc. Mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 24.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 150km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (từ 89-102 km/giờ), giật cấp 11-12.
Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 7 giờ ngày 25.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống, chỉ còn mạnh cấp 8 (từ 62-74 km/giờ), giật cấp 9-10.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía bắc biển đông, bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa có gió xoáy mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10. Giật cấp 11-12 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động dữ dội, sóng biển cao trung bình 8-10m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, nên khu vực giữa và nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam), vùng biển từ tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp7-8, biển động.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ đêm mai (24.7), Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Vì vậy, người dân các tỉnh thành miền Bắc nhất là khu vực miền núi cần đề phòng mưa lớn kéo dài sinh lũ quét, lũ lớn, ngập úng sâu ở vùng thấp, vùng trũng, sạt lở đất đá trên diện rộng.
Đặc biệt, các hồ chứa nước cho sản xuất nông nghiệp, hồ thủy điện cần theo dõi chặt tình hình mưa lũ để điều tiết kịp thời. Chính quyền các địa phương cần tăng cường cao nhất công tác PCLB, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác ứng cứu khi mưa lũ xảy ra.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn