Nắng nóng 40 - 42 độ C đang diễn ra nhiều nơi tại miền Trung, biến những nơi này thành chảo lửa, khiến cho vật nuôi, cây trồng vật vã trong khát cháy.
Tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang, các giếng nước đã cạn khô từ hơn 1 tháng nay. Nhiều gia đình phải nạo vét giếng nhưng vẫn không tìm ra giọt nước nào. Ông Trần Hùng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết, dù thuộc địa phận TP.Nha Trang nhưng nguồn nước sạch của thành phố chỉ cung cấp được 40% nhu cầu. Riêng khu vực dân cư thôn Cát Lợi, 400 hộ dân sinh sống, không hề có hệ thống nước sạch nên nắng nóng thế này là dân ở đây không có nước sinh hoạt.
(Ảnh minh họa)
Tại xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) hệ thống nước tự chảy, giếng tập trung, giếng gia đình và cả con suối chạy qua xã cũng đã cạn khô. Bà con các thôn phải đào hàng chục giếng giữa lòng suối để chắt lấy từng gáo nước về dùng. Tình hình này xảy ra tương tự với người dân ở thôn đảo Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) hay đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP.Cam Ranh) lâu nay vẫn dùng hệ thống nước ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nay nắng nóng kéo dài, giếng không còn nước.
Nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao đã làm cho tôm nuôi ở nhiều vùng nuôi sốc môi trường, gia tăng dịch bệnh mà chết hàng loạt. Tại hầu hết các vùng nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đều xảy ra tình trạng tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt, Phòng NNPTNT huyện Vạn Ninh cho biết, toàn huyện có 550ha nuôi tôm thẻ nhưng nắng nóng kéo dài, tôm chết lên đến 50% tổng diện tích thả nuôi. Hiện tượng này cũng xảy ra tại thị xã Ninh Hòa.
Nắng nóng kéo dài đã khiến người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế thiệt hại nặng nề. Khoảng 500ha tôm, cá nuôi ở các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà đã bị mắc dịch bệnh và chết hàng loạt do nắng nóng gay gắt tạo nên sự biến động quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, khiến các loài thủy sản thả nuôi không thể thích nghi.
Mai Khuê - An Sơn (Dân Việt)