Theo bản tin dự báo 10 ngày (từ đêm 26/8 đến ngày 05/9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Từ đêm 26 đến ngày 29/8, có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngày 30/8 đến ngày 05/9, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông; riêng khu vực Bắc Trung Bộ từ ngày 31/8 đến 1/9 có mưa to đến rất to; từ ngày 02 mưa giảm dần. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trời mưa to sẽ làm biến động đột ngột các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn trong ao nuôi. Để hạn chế sự biến động môi trường do mưa, các hộ nuôi tôm áp dụng các biện pháp ổn định môi trường theo hướng dẫn của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản miền Bắc như sau:
- Duy trì mực nước trong ao trên 1,5m để giữ nhiệt độ ổn định cho ao nuôi, đồng thời tạo rãnh thoát nước và bón vôi quanh bờ ao trước và sau khi trời mưa nhằm phòng tránh hiện tượng pH, độ mặn và độ kiềm trong ao giảm đột ngột khi trời mưa;
- Khi trời mưa nhiều, xả bớt nước tầng mặt để giảm nguy cơ độ mặn giảm đột ngột và nguy cơ tràn cống gây thất thoát tôm nuôi;
- Kiểm tra pH thường xuyên khi thay đổi thời tiết, duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị;
- Tăng cường sục khí để cung cấp oxy cho tôm nuôi và tránh sự phân tầng nhiệt;
- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, thay nước đáy ao thường xuyên kiểm tra thức ăn của tôm trong nhá, vó để điều chỉnh thức ăn phù hợp, tránh để dư thừa.
- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan trộn vào thức ăn cho tôm.
- Thường xuyên quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày hoặc khi màu nước ao nuôi thay đổi bất thường hoặc mưa kéo dài để kiểm tra sức khỏe tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời./.
Theo Trần Hương/sonongnghiep.hatinh.gov.vn