Trắng tay sau lũ
Vụ đông xuân năm nay, nông dân Huỳnh Văn Chỉnh (thôn Hòa Bình 2, xã Đăk Liêng) sạ gần 1ha lúa. Những tưởng sẽ cầm chắc trong tay gần chục tấn lúa thì bất ngờ, mưa lũ ập về khiến toàn bộ diện tích lúa sắp thu hoạch của ông Chỉnh bị nhấn chìm. Không chỉ thế, 3 sào lúa mới sạ của gia đình ông cũng ngập úng hoàn toàn, không thể khắc phục được.
Người dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) gặt chạy lũ. Ảnh: Duy Hậu
Nhiều gia đình trong thôn gieo sạ đến 4 lần đều bị mưa làm hư hại cả 4. Những năm trước, khi chúng tôi gặt xong lúa được khoảng nửa tháng thì trời mới bắt đầu có mưa lớn. Nhưng năm nay, khi đồng lúa chưa kịp chín, còn gần 10 ngày nữa mới bắt đầu thu hoạch thì lũ đã tràn về khiến bà con không kịp trở tay”. Ông Trần Vĩnh Phúc
|
Cùng cảnh ngộ, ông Bùi Tấn Hùng (xóm Huế, xã Đăk Liêng) cũng bị mưa lũ “cướp” đi hơn một nửa số lúa thu được. Chỉ đống lúa mới thu về, ông Hùng nói: “Mấy ngày nay gia đình tôi thuê người ngụp lặn ngoài đồng mới vớt về được chừng ấy. Bình thường tôi thu được hơn 200 bao, nhưng giờ chỉ còn chưa được 100 bao. Không chỉ thế, cả tạ lúa giống định sạ giờ cũng đành phải đem cho vịt ăn vì nước mưa ngấm ướt hết”.
Ông Trần Vĩnh Phúc - Trưởng thôn Hòa Bình 3 cho biết, mưa lũ đã làm hư hại hoàn toàn hàng chục ha lúa chuẩn bị thu hoạch và hơn 20ha mới gieo sạ, khiến rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Không ít gia đình đã trắng tay sau trận lũ này.
Theo báo cáo của UBND huyện Lăk, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã làm hơn 800ha lúa và hoa màu của nông dân bị hư hại. Đặc biệt, trong số diện tích này có đến hơn một nửa là lúa đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch và hơn 250ha lúa vừa gieo sạ.
Tại huyện Krông Păk, ông Trần Ba - Trưởng phòng NNPTNN huyện cho biết, trong hơn 100ha cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ thì có đến gần 70ha lúa sắp thu hoạch bị mất trắng hoàn toàn; khoảng gần 50ha lúa bị thiệt hại 50% năng suất.
Riêng tại huyện Krông Ana, con số thiệt hại ước tính lên đến hơn 33 tỷ đồng. Theo ông Võ Văn Nam - Trưởng phòng NNPTNT, toàn huyện có hơn 500ha lúa cùng hơn 100ha khoai lang, tại các xã Bình Hòa, Quảng Điền bị hư hại. Đáng nói là toàn bộ diện tích này gần như bị mất trắng.
Gieo sạ 4 lần hỏng cả 4
Theo ông Trần Vĩnh Phúc, đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra tình trạng mưa lũ bất thường. “Nhiều gia đình trong thôn gieo sạ đến 4 lần đều bị mưa làm hư hại cả 4. Các năm trước, khi chúng tôi gặt xong lúa được khoảng nửa tháng thì trời mới bắt đầu có mưa lớn. Nhưng năm nay, khi đồng lúa chưa kịp chín, còn gần 10 ngày nữa mới bắt đầu thu hoạch thì lũ đã tràn về khiến bà con không kịp trở tay” - ông Phúc cho biết.
Ruộng khoai của nông dân xã Đắk Liêng bị ngập úng gây thiệt hại không nhỏ (Duy Hậu).
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Thu Hiền - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Lăk cũng cho biết, đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày (từ 17-22.5) vừa qua là rất bất thường so với mọi năm. Theo bà Hiền, mùa mưa ở Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 5 nhưng năm nay mưa đến sớm hơn gần 1 tháng. Điều khác biệt nữa là những trận mưa đầu mùa thường xuất hiện trước ở vùng phía tây tỉnh, các vùng phía đông thường không có mưa và nếu có cũng không lớn. Thế nhưng năm nay, ngay từ đầu mùa lại xuất hiện những trận mưa lớn với mật độ thường xuyên ở các huyện M’Đrăk, Ea Kar (phía đông tỉnh). Chính điều này đã tạo một lượng nước lớn đổ về các huyện Krông Ana, Lắk... gây ngập lụt.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, mặc dù có mưa lũ bất thường nhưng so với mọi năm, thời tiết năm nay có nhiều thuận lợi. Nhờ mưa đến sớm và xuất hiện thường xuyên nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng các loại cây công nghiệp. Đặc biệt là ở các vùng phía đông tỉnh, nếu trước đây thường xuyên bị hạn hán kéo dài thì năm nay cây trồng lại được “tưới tắm” rất sớm.
Tác giả bài viết: Duy Hậu
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn