00:25 EST Chủ nhật, 22/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thời tiết - Nông vụ - Dịch bệnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Mùa tơi đón nắng

Thứ tư - 27/06/2012 21:18
Nắng nóng “lịch sử” trong những ngày hè đã mách tôi tìm về Thạch Hương (Thạch Hà), một địa chỉ truyền thống làng nghề chằm tơi để tìm hiểu về sức mạnh của làng nghề này trong bối cảnh mới.

Từ Tỉnh lộ 17 rẽ vào, Thạch Hương hiện ra trước mắt tôi bằng sức sống mạnh mẽ và hứa hẹn của ngút ngàn bờ bãi lúa đã chuyển dạ, pha sắc với ánh nắng mặt trời. Cánh đồng trước thềm gặt đang nhường chỗ cho cái yên lặng, âm thầm và tự do của nắng. Hai bên đường cái quan, dăm ba người chăn trâu lặng lẽ, mải miết với công việc của mình, buông ánh mắt xa xa như nhẩm tính ngày rộ gặt. Hình ảnh của họ thật thân thuộc, hình như tôi đã bắt gặp ở đâu đó trong cuộc đời, trong truyền thống. Họ vận bộ áo nâu “bảo hộ”, chân trần, đầu đội nón lá, vai khoác áo tơi. Dường như cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hè đã được hóa giải bằng chiếc áo tơi mộc mạc, đơn sơ mà kỳ diệu.

Hỏi bà mế chăn trâu về địa chỉ chằm tơi, nhóm nhém nhai trầu và quẹt miệng, bà cười: “Chú đến đúng nơi rồi. Làng này. Làng Tân Đình này là làng chằm tơi”. Phóng xe thẳng vào làng trên những con đường nội thôn rộng mở, bê tông hoá, làng tơi hiện ra với ngổn ngang, ngút ngàn lá tơi được phơi, cất ở nhà nhà, thi thoảng vang lên những tiếng rựa chặt lá. Sau khi rảo một vòng để có cái nhìn khái quát, tôi mạnh dạn bước vào nhà ông Nguyễn Đình Nhị, căn nhà hướng ra mặt ao làng, thoáng đãng và sạch sẽ với 4 thành viên đang mải miết làm các công đoạn trong chằm tơi. Chủ nhà tiếp tôi bằng sự tất bật vì bề bộn. Chẳng có nơi để ngồi, tôi bệt xuống thềm trong cái râm mát và thoảng gió phơn Tây Nam. Lân la trò chuyện, cuối cùng ông cũng phải dẫm chân lên xấp lá tơi chuẩn bị chằm đề ngừng tay tiếp vị khách bất đắc dĩ. Ông cởi mở: “Cha tôi dạy cho tôi nghề chăm tơi từ nhỏ. Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến mùa nắng nóng là nhà tôi lại nhộn nhịp, mỗi người mỗi việc để chằm tơi”. Liếc mắt sang người con trai cả với làn da rám nắng, cánh tay trần săn chắc đang thoăn thoắt đan, xếp lá tơi, ông cười rộ: “Mọi năm chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm chính (ý ông nói là việc chằm), năm nay có con trai từ Sài Gòn về. Nó cũng khéo tay. Vì thế, việc chằm tơi năng sản. Có ngày 2 bố con chằm được 9 cái”. Đối diện với ao làng, nhà bà Nguyễn Thị Đào lặng lẽ, khép mình bên rặng tre già nua. Lách chân qua rừng lá lạo xạo dày đặc giữa sân nhà, tôi chạm bậc tam cấp căn nhà ngói giản dị. Những người phụ nữ trong gia đình ngẩng mặt lên nhìn vị khách mồ hôi nhễ nhại. Khác với tất cả những “nghệ nhân” trong làng, bà Đào là trường hợp ngoại lệ khi lần đầu tiên trong làng, người phụ nữ chằm tơi. Vây quanh bà, người em và đứa con gái tuổi cập kê cũng đang mải miết, vừa thoăn thoắt vừa trò chuyện vui vẻ. Bà Đào không dấu tôi những hiểu biết về nghề: “Tự học lấy nghề chằm tơi từ ông chú đã quá cố, thấy việc này cũng có thể làm được, thế là tôi bắt tay làm. Con gái tôi đã có việc làm ở thành phố Hà Tĩnh cũng tranh thủ về giúp tôi. Nói chung nghề này đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và khéo tay.” Thắc mắc về ngổn ngang bãi lá từ đâu mà có, bà nhanh miệng: “Tôi đi về chứ ai. Đi lá phải mất 2-3 ngày, đi bộ vào rừng khoảng 15km. Lấy được lá trong rừng xanh, về lán trại đốt lửa lên hơ, rồi phơi nắng, lúc đó mới buộc thành gánh gánh về. Nói chung là vất vả lắm”.

Ảnh: lichsuvietnam.info

Sau khi đến nhà bà Đào tôi tìm đến nhiều gia đình khác trong làng. Những người chằm tơi ở đây, một người một ít đã cấp cho tôi nhiều kiến thức về nghề chằm tơi. Nói chung, nghề tơi cũng lắm công phu! Phải đi rừng lấy lá, rồi mang về tiếp tục phơi sương, phơi nắng. Phơi sương là để lá giữ được màu xanh. Phơi nắng là để lá có màu trắng. Trắng, xanh kết hợp tạo nên màu sắc cho chiếc áo tơi đặc trưng. Trời nắng là thuận lợi cho nghề tơi vì dễ bán, song nắng nóng như những ngày qua cũng làm cho các công đoạn làm lá trở nên vất vả hơn. Nắng gay gắt, lá tơi thường co lại, lại phải vuốt, có khi phải dùng lưỡi cày nung nóng, có thế lá mới nhẵn, bề mặt tơi mới phẳng và đẹp, bắt mắt khách hàng. Ngày trước, khi cuộc sống chưa phát triển, áo tơi không chỉ chống nắng mà còn để mặc vào mùa mưa, vì thế, tơi được chằm nhiều hơn bây giờ rất nhiều. Theo kể lại, những ngày ấy, người chuyên đi lá bán, người đi tìm sợi cây dộc, mây ở trong rừng (vì không có dây nhà máy sản xuất như ngày nay), người chằm, người đi chợ bán áo tơi tấp nập lắm. Bây giờ nhiều gia đình đã “thất truyền” nghề chằm tơi, làng Tân Đình chỉ còn trên dưới 10 hộ, song chủ yếu vẫn là những hộ có truyền thống từ cha ông để lại, chỉ có một hộ mới, tự học, tự làm. Họ vẫn làm việc miệt mài, vẫn ngày ngày mang ra chợ Đồn (Thạch Điền), chợ Mới (Thạch Hương) những chiếc áo tơi giản dị phục vụ cho bà con nông dân chọn bạn với nắng trời. Mỗi chiếc áo tơi, bán với giá khoảng 45-50.000đ. Mỗi ngày, bình quân mỗi hộ thu được khoảng 250-300.000đ, có hộ đến 350.000đ. Dầu phải tốn nhiều thời gian, công sức, mất nhiều lao động, song nghề tơi vẫn đảm bảo thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Cái đẹp của nghề chằm tơi đã hội tụ đủ 2 yếu tố: giữ gìn nét văn hóa của làng nghề truyền thống và tính thực tế, nâng cao nguồn thu cho người dân. Ông Phạm Khả, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Nghề chằm tơi ở Thạch Hương có truyền thống lâu đời. Hiện tại có 3-4 xóm có người theo chằm tơi, tập trung chủ yếu là ở xóm Tân Đình, Tân Minh. Áo tơi vẫn rất được bà con ưa chuộng vào mùa gặt nên bán khá chạy. Nghề tơi vừa giúp người dân giữ nét đẹp văn hóa vừa giúp họ tự giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập”.

Ảnh: lichsuvietnam.info

Áo tơi là thứ áo cách nhiệt tuyệt vời mà cha ông truyền lại. Nó cũng là thứ áo mưa thiệt hơn tất cả các loại áo mưa có mặt trên thị trường. Không thấm nước, không có hàng giả, hàng nhái. Dầu vậy, nghề chằm tơi nói chung vẫn chưa được phục dựng nguyên dạng như ngày trước. Nông dân ở đâu cũng vậy, cũng một lần nắng, hai lần sương chung thủy với ruộng đồng, áo tơi luôn được người dân lựa chọn. Thậm chí, có người còn dùng áo tơi vào việc chống nóng cho gia súc. Vậy mà những nơi xa xôi như miền đồng ven biển, nơi ô nại vào mùa, những phiên chợ vẫn thiếu áo tơi. Thị trường áo tơi vẫn tiêu thụ tốt ngay ở những nơi đầu nguồn sản phẩm, đó như là câu trả lời thiết thực cho sự lựa chọn của người nông dân chân đất tối ngày. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, nếu nghề tơi tiếp tục được lưu truyền và nhân rộng, thì áo tơi với tính hữu dụng của nó sẽ vẫn lại về xuôi sống lại nhộn nhịp, sẽ tấp nập người vào rừng, kẻ xuống chợ, phường bán, phường mua… dầu chúng ta đang vươn xa trong thời kỳ công nghệ cao, khoa học – kỹ thuật phát triển.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà (baohatinh.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 158

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 154


Hôm nayHôm nay : 22575

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 929066

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72611775