Gia đình anh Cấn Văn Mai, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu là chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn trên địa bàn huyện Quốc Oai. Anh Mai cho biết: "Với 3 dãy chuồng trại khép kín rộng 750m2, tôi đang chăn nuôi hơn 30.000 con gà đẻ trứng. Trước khi xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài, gia đình đã áp dụng các biện pháp phòng chống nóng cho đàn vật nuôi".
Người dân xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) kiểm tra nhiệt độ trong trại nuôi gà. Ảnh: Thái Hiền
Theo anh Mai, nếu nắng nóng kéo dài mà mất điện từ 7 đến 8 giờ là đàn gà có thể bị ốm hoặc có những bất thường về sức khỏe. Do đó, ngoài hệ thống làm mát cố định, những ngày nắng nóng cao điểm, gia đình lắp thêm hệ thống quạt phun sương, phun trong vòng 15 giờ/ngày vòng quanh bên ngoài chuồng trại.
Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Đoàn, chủ trang trại chăn nuôi quy mô hơn 20.000 con gà đẻ trứng, 1.000 con lợn thịt và 250 con lợn nái tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) chia sẻ, những ngày nắng nóng, trang trại lúc nào cũng trong tình trạng túc trực thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của từng chuồng nuôi thông qua máy đo nhiệt kế tự động.
Ngoài hệ thống làm mát khép kín, các biện pháp làm mát thủ công như bơm nước lên mái che, dùng vật dụng che chắn ở nơi nắng nóng cũng được thực hiện. Trang trại đã bổ sung khẩu phần ăn cho gà, lợn, tăng cường vitamin và khoáng chất.
Tại huyện Ba Vì, một trong những nơi chăn nuôi bò sữa lớn nhất thành phố, người dân đã áp dụng nhiều biện pháp chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Năng, thôn Mổ Đồi (xã Vân Hòa) cho hay, trong các loại vật nuôi, bò sữa dễ bị ảnh hưởng nhất mỗi khi xảy ra nắng nóng. Thực tế chăn nuôi bò sữa chuồng trại không khép kín, chủ yếu là chuồng mở, nông hộ chỉ sử dụng các biện pháp chống nóng cơ bản như phủ vật che nắng, phun nước lên mái, lắp hệ thống quạt phun sương… nên khi nhiệt độ lên cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò sữa. Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho đàn bò sữa, theo ông Năng, cần tăng cường thức ăn thô xanh, cung cấp đủ nước, khai thác sữa đúng quy trình.
Điều đáng chú ý là dù nắng nóng đỉnh điểm nhưng do nguồn cung bảo đảm nên tình trạng cắt điện tại khu vực ngoại thành không xảy ra, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc đàn vật nuôi được bảo đảm.
Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm, thủy cầm hơn 28 triệu con, lợn 1,65 triệu con, trâu 25.000 con, bò 140.000 con, trong đó đàn bò sữa khoảng 15.700 con. Ngoài chăn nuôi quy mô công nghiệp thì chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, điều kiện chuồng trại chăn nuôi ở nhiều nơi chật chội. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đang là những thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi.
Người chăn nuôi xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) phun nước làm mát cho đàn lợn. Ảnh: Giang Sơn
Ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho hay, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế, huyện đã khuyến cáo người chăn nuôi không nên chăn thả trâu, bò ngoài trời tránh nắng nóng. Các hộ chăn nuôi bò sữa cần kết hợp hệ thống làm mát trong chuồng và lưu ý làm chuồng trại gần nơi có nhiều cây xanh để tạo mát tự nhiên cho vật nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo, những ngày nắng nóng cần tăng cường hơn việc kiểm tra theo dõi đàn gia súc, gia cầm. Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có những biểu hiện không bình thường thì tách đàn cho nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị.
Trường hợp thấy gia súc, gia cầm có triệu chứng bệnh trở nặng như khó thở, ho, sốt, ủ rũ, đi lại không bình thường…, có biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. Trường hợp gia súc bệnh chết phải bảo đảm việc tiêu hủy đúng nơi quy định, không được vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, thời tiết nắng nóng, gia súc rất dễ bị sút cân, mất sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh về tiêu hóa. Thực tế đã có những trang trại bị chết cả trăm con lợn, hàng nghìn con gà đẻ trứng, thua lỗ cả tỷ đồng chỉ sau 1 đêm do mất điện đột ngột hoặc máy phát điện trục trặc trong khi chủ trang trại không phát hiện kịp thời.
Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đề nghị, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung cần chuẩn bị máy phát, máy nổ đề phòng mất điện cũng như thường xuyên phân công công nhân, người lao động trực 24/24 giờ để phát hiện kịp thời sự cố. Đối với nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, cần tăng cường quạt, hệ thống phun sương; trâu, bò chăn thả, cần bổ sung nước và muối để tăng cường sức đề kháng...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn