Ông Nguyễn Viết Dũng, xóm 9, xã Thanh Văn (Thanh Chương) có 7 sào (3.500m2) lúa ở cánh đồng Bàu đang ở thời kỳ đứng cái. Do mưa bão, toàn bộ diện tích bị ngập từ ngày 17/7. Đến nay, nước rút chậm, lúa vẫn nằm chìm dưới nước.
Nhiều diện tích lúa bị ngập úng, có nguy cơ xóa sổ |
Theo quan sát của PV, cánh đồng Bàu đang ngập sâu, ngọn lúa mới chỉ nhô lên khỏi mặt nước chừng 1 cm. Số ngập trong nước đã bung thân, lá úa chìm dưới nước, rễ đã thâm đen. Con đường dẫn ra ruộng lúa nhiều chỗ vẫn còn ngập, mùi hôi, tanh bốc lên nồng nặc.
“Ròng rã 8 ngày, 8 đêm ngập sâu dưới nước. Tình hình này thì phải vài hôm nữa nước mới rút hẳn. Nhưng trời đang nắng, cây lúa có nguy cơ bị “luộc chín”. Chờ đến lúc nước rút hẳn chắc cây lúa cũng ngã rạp xuống, khó mà khắc phục được. Lại đang có tin áp thấp nhiệt đới, mùa này mất ăn rồi”, ông Dũng xót xa.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng ban Nông nghiệp xã Thanh Văn, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 36,5/203 ha lúa hè thu của xã ngập trong biển nước. Thời gian bị ngập cơ bản đều từ 5 - 7 ngày. Hiện tại vẫn còn 7 ha đang ngập sâu trong nước, diện tích mất trắng ước chừng 12 ha.
“Nước rút đến đâu chúng tôi khuyến cáo bà con khoát nước rửa bùn cho lúa đến đó. Sau khi vệ sinh xong, bà con nông dân cần kết hợp chăm sóc tốt, những diện tích đã đến thời kỳ thì bón phân thúc đòng”, ông Đạt cho biết.
Nhiều tuyến giao thông nội đồng cũng chưa thể tiêu thoát nước |
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Chương cho biết, toàn huyện có trên 1.200 ha lúa bị ngập. Trong số này hiện có 1/2 diện tích đã rút nước. Số còn bị ngập tập trung ở các xã vùng rốn lũ Bích Hào như Thanh Xuân, Thanh Giang, Thanh Mai…
Còn tại huyện Hưng Nguyên, theo thống kê có 3.600 ha lúa bị ngập do mưa bão, có những vùng ngập sâu 8 - 9 ngày. Trong số này hiện có 2.500 ha khả năng mất trắng. Hiện tại, những vùng thoát nước nhờ trạm bơm Hưng Châu như xã Hưng Châu, Hưng Phúc, Hưng Thắng, Hưng Tiến… cơ bản đã tiêu thoát nước. Các xã như Hưng Trung, Thị Trấn, Hưng Đạo chưa tiêu thoát được nước.
“2.500 ha này mất trắng chắc rồi. Cây lúa đã thối rất nhiều, không thể cứu vãn”, một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên khẳng định.
Cán bộ Trạm TT-BVTV huyện Thanh Chương kiểm tra lúa bị ngập |
Còn ông Cao Đăng Tâm, Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An cho biết: “Hiện nước đang rút dần, ngành nông nghiệp đang tiếp tục thống kê diện tích lúa bị thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay chưa thể khẳng định được diện tích nào sẽ mất trắng, diện tích nào có thể phục hồi vì chỉ có thể rút ra kết luận sau khi nước rút hết”.
Trước tình hình trên, ngày 19/7, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An có công văn, đề nghị các huyện, thị tích cực tích cực triển khai các phương án cứu lúa. Trong đó lưu ý, đối với diện tích bị ngập 2 - 3 ngày, thoát nước kịp có khả năng phục hồi, Chi cục Trồng trọt & BVTV đề nghị các huyện khuyến cáo nông dân điều chỉnh nước kịp thời, té nước làm sạch lá để giúp cây lúa quang hợp.
“Khi nước trên ruộng xuống và lá lúa nhô cao trên mặt nước 10 cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun các chế phẩm sinh học như KH, siêu lân, phun theo hướng dẫn in trên bao bì để giúp cây phục hồi nhanh. Sau khi cây lúa đã phục hồi, đối với những ruộng đã bón thúc cần bón bổ sung phân để tăng cường khả năng phát triển của cây lúa. Đối với những ruộng chưa bón thúc cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc”, công văn nêu rõ.
Nhiều diện tích lúa bị thâm rễ |
Công văn cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo bà con nông dân chuẩn bị giống để gieo cấy lại hoặc chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích không có khả năng phục hồi.
Mặc dù cơ quan chức năng cho biết chưa thể khẳng định được bao nhiêu diện tích có khả năng mất trắng nhưng nông dân Nghệ An cho rằng, với những diện tích đã bị ngập trên 5 ngày, nay nước vẫn chưa rút thì không có khả năng cứu vãn.
“Như ruộng lúa của gia đình tôi, nước có rút cũng không thể phục hồi được. Rễ đã thâm đen, lá bung xòe, ngã rạp rồi thì có bón gì đi chăng nữa cũng không ăn thua. Nay cây lúa đã đứng cái, làm đòng, nếu mất trắng cũng không thể gieo cấy lại vì sẽ làm chậm lịch thời vụ của vụ sau”, ông Nguyễn Viết Dũng, nông dân xóm 9, xã Thanh Văn (Thanh Chương) khẳng định.
Về diện tích ngô bị ngập úng và mất trắng, theo bà con, đến tháng 9 ở Nghệ An sẽ xuất hiện lũ. Gieo trồng lại, nếu không bị lũ gây thiệt hại thì cũng sẽ ảnh hưởng đến lịch gieo trồng vụ sau. Vì vậy, Nghệ An đang đứng trước nguy cơ hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ha lúa, màu phải bỏ hoang sau bão số 3. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn