Sau vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần, UBND TP HCM đã kịp thời chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo lên cao. Thế nhưng, ngược lại với dự kiến khan hiếm nguồn thịt heo, thì vụ việc đã khiến cho những người chăn nuôi và cả người bán bị vạ lây, lao đao vì giá heo rớt giá.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Thể, chủ trang trại chăn nuôi ở Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai như ngồi trên đống lửa. Gần 500 con heo đến kỳ xuất trại nhưng vẫn đang chen chúc nhau trong chuồng vì thương lái chỉ mua với số lượng ít.
Sau vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần đã khiến cho những người chăn nuôi và cả người bán bị vạ lây, lao đao vì giá heo rớt giá.(Ảnh minh họa/KT) |
Theo anh Thể, mặc dù giá giảm nhưng heo đến kỳ xuất buộc các hộ chăn nuôi phải chấp nhận chứ không thể giữ lại nuôi: "Mỗi ngày heo nó nằm lại thì rất tốn kém tiền thức ăn. Mỗi con mỗi ngày ăn 3kg cám, 9.500 đồng/kg, ngày là 30.000 chưa kể tính phí nhân công điện đóm nước nôi. Trước sau gì những người chăn nuôi như tụi tôi cũng phá sản, vì sổ đỏ nhà cửa mang đi cầm nợ nhà nước hết rồi".
Trang trại chăn nuôi không bán được heo do thiếu lò mổ, tưởng rằng thịt heo ở chợ sẽ thiếu hụt nguồn hàng và giá sẽ tăng lên. Thế nhưng những người bán thịt lại đang ngậm ngùi vì hàng ế ẩm.
Tại Chợ Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP HCM đã gần trưa nhưng sạp hàng của chị Nguyễn Thị Khuyên vẫn còn bày bán nhiều thịt. Chị ra sức mời chào nhưng những người đi chợ lắc đầu từ chối. Chị Khuyên cho biết, lượng thịt heo bán ra giảm so với trước đó khoảng 30 - 40%. Ngày thường chị bán được 100 kg, còn cuối tuần bán được đến 170 kg, nhưng hiện nay thì chỉ bán được hơn một nửa số đó.
Cán bộ phòng 7 (C49B, Bộ Công an) kiểm tra lô heo tiêm thuốc an thần trong lò mổ Xuyên Á tối 28-9. Phía sau heo nằm la liệt, ngủ li bì - Ảnh: C49B cung cấp |
Đúng như nỗi lo của các tiểu thương bán thịt heo, người dân đang quay lưng lại với thực phẩm vốn được xem là không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình này.
Chị Lê Thủy Tiên, ngụ Quận 3 cho biết: "Phải tự bảo vệ mình là không ăn nữa chứ biết sao bây giờ. Còn hỏi người bán hàng thì họ luôn nói là hàng thịt heo sạch. Tôi phải chọn món khác để ăn như rau hay cá...".
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi Cục Thú y TP HCM, việc ngừng giết mổ ở cơ sở Xuyên Á đã được chuyển về các cơ sở khác ở Bình Tân, của công ty Vissan và nhiều cơ sở khác để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, một số thương lái chủ động mang heo đi giết mổ ở Tây Ninh, Long An, Bình Dương rồi chuyển về thành phố.
Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến heo bị giảm số lượng tiêu thụ là tâm lý của người tiêu dùng. Chi cục Thú y đang có nhiều biện pháp về nhân sự cũng như thay đổi cách quản lý để giám sát chặt chẽ việc giết mổ heo, đảm bảo không để xảy ra sự việc tương tự như vụ việc tiêm thuốc an thần vào heo vừa qua.
Ông Thảo cho biết: "Việc các thương nhân vừa qua có vi phạm chúng tôi đã đưa vào tầm ngắm, chúng tôi sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra trên tất cả các lô. Ngoài ra sẽ tăng cường kiểm tra lâm sàng trước khi heo được nhập vào lò mổ, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, giám sát từ khi xuống heo cho đến khi đưa lưu giữ chờ giết mổ. Yêu cầu tất cả các cơ sở gắn camera để giám sát vấn đề này".
Kể từ ngày 16/10 tới đây, TP HCM yêu cầu các chợ đầu mối không cho các thương lái đưa heo vào chợ nếu không có truy xuất nguồn gốc. Thành phố cũng đang có chủ trương các thương nhân vào hoạt động cơ sở giết mổ phải có giấy phép kinh doanh.
Rõ ràng, việc kiểm soát giết mổ heo, kể cả đối với heo truy xuất nguồn gốc phải được giám sát chặt chẽ, không để thương lái lợi dụng lỗ hổng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để thu lợi bất chính. Có như vậy, người dân mới an tâm quay lại mua thịt heo, người chăn nuôi và người bán thịt không còn chịu cảnh “quýt làm cam chịu”./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn