Vắng bóng thương lái
Những ngày này tại các vùng nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa vắng bóng thương lái thu mua tôm hùm xuất sang Trung Quốc. Điều này khiến người nuôi trên địa bàn gặp khó khăn, bởi tôm đến thời kỳ thu hoạch.
Tại vùng nuôi xã Cam Bình, TP Cam Ranh – “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở Khánh Hòa hiện có khoảng 1.100 hộ nuôi với gần 10.000 lồng nuôi.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, trong số lồng nuôi trên có khoảng 100 tấn tôm thịt đến thời kỳ xuất bán. Tuy nhiên người dân bán không được do việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ.
Mặt khác, hiện nhiều thương lái vẫn còn nợ tiền bán tôm của bà con trên 20 tỷ đồng, do việc xuất khẩu tôm bị “ách tắc”. Trong khi đó, bà con lại không liên lạc với các thương lái này nên rất lo lắng.
Cũng theo ông Ân, do tôm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, nên việc thu mua tiêu thụ nội địa rất chậm, không đáng bao nhiêu. Giá tôm thịt thu mua nội địa cũng thấp, chỉ 540 ngàn đồng/kg. Trong khi trước tết, giá tôm hùm trên địa bàn được thu mua dao động từ 650 - 800 ngàn đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Hậu, một người nuôi tôm hùm xanh ở Bình Ba Tây, xã Cam Bình buồn rầu nói: Bây giờ có ai mua tôm đâu mà biết giá. Hiện người nuôi gặp nhiều khó khăn khi vắng bóng thương lái thu mua tôm hùm. Trong khi nhu cầu xuất tôm của bà con để trả nợ chi phí đầu tư là rất nhiều. Như gia đình tôi hiện có khoảng 30 lồng tôm thịt, khoảng 12.000 con. Tôm đã đạt trọng lượng xuất bán từ 0,3 - 0,4 con/kg nhưng bán không được nên buồn lắm…”.
Tương tự, tại vùng nuôi tôm hùm chủ yếu loại tôm bông (tôm sao) ở huyện Vạn Ninh, từ sau tết đến nay cũng ít thương lái đến bè thu mua. Dù người nuôi liên tục gọi thương lái đến xuất tôm.
Anh Trần Văn Neo, một người nuôi ở thị trấn Vạn Giã xác nhận vấn đề này và cho biết, hiện gia đình còn 1.000 con tôm sao, tương đương gần 1 tấn. Nhưng gọi thương lái đều bảo ngưng thu mua.
“Bây giờ tôi cũng không biết giá tôm bông bao nhiêu vì không ai gần bên xuất bán. Tôi chỉ nghe nói giá tôm bông bán nội địa hiện chỉ còn 1,4 - 1,7 triệu (loại 1) trong khi trước tết từ 1,7 - 2 triệu đồng/kg. Nhưng cũng ít ai mua lắm, dù nhiều người đang “kẹt” tiền” và muốn bán bớt tôm, giọng anh Neo buồn bã nói.
Khó khăn giữ tôm
Trước tình hình hiện này, ngành thủy sản Khánh Hòa, cũng như các địa phương đã khuyến cáo người nuôi cần bình tĩnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi lưu giữ, chờ thời điểm phù hợp để xuất bán.
Đây cũng là ý kiến được người nuôi đồng trước tình hình hiện nay khi dịch bệnh nCoV làm ngưng trệ việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên người nuôi cũng khó giữ tiếp đàn nuôi vì nguồn vốn đang dần cạn kiệt.
Giá mồi cho tôm hùm ăn hiện cao, trong khi người nuôi cạn kiệt vốn nên khó khăn giữ đầm tôm nuôi. |
Anh Trần Văn Neo cho biết: "Việc giữ đàn tôm là không lo. Nhưng lo nhất là tiền mua mồi để cho tôm ăn để giữ đàn. Bây giờ người nuôi mua nợ tiền mồi là họ không bán nữa. Người nuôi quen may ra họ còn để chậm một ngày sau phải trả. Còn không quen biết, người nuôi phải đưa tiền trước. Khi đó họ mới cung cấp mồi cho tôm ăn.
Như gia đình tôi ngoài 1.000 con tôm hùm đang thời kỳ xuất bán, còn thêm 4.000 con tôm hùm đã nuôi 3 - 4 tháng. Mỗi ngày cho tôm ăn phải mất từ 3 - 4 triệu đồng. Nên không bán tôm được, lấy tiền mặt đâu mà trả”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hậu, cho biết, với 12.000 con tôm hùm, mỗi lần anh cho ăn tốn 2,5 triệu đồng. Đó là đã cho tôm ăn ít lại chỉ từ 2-3 kg mồi/lồng, chứ trước tết mỗi lồng ăn khoảng 5kg mồi.
“Do giá mồi hiện đắt đỏ dao động từ 22 - 30 ngàn đ/kg, cộng với nguồn vốn gia đình cạn kiệt nên tôi cho tôm ăn rất hạn chế. Cứ cho ăn 1 ngày, nghỉ 3 ngày sau mới cho tôm ăn lại. Giờ ai nuôi tôm cũng cho ăn như vậy, bởi có bán được tôm đâu mà cho ăn nhiều. Hơn nữa, người cung cấp mồi hiện cũng yêu cầu người nuôi đưa tiền mặt mới bán nên người nuôi gặp nhiều khó khăn”, anh Hậu nói.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cũng cho rằng, hiện nhiều người nuôi trên địa bàn điêu đứng khi mua mồi cho tôm ăn. “Bây giờ người nuôi có tiền còn mua mồi được. Còn một số không có tiền phải vay mượn tùm lum”, ông Ân chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Trước mắt, đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt và theo dõi sát tình hình thị trường.
Mặt khác, trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Về lâu dài, Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định hơn.