* Trên 300.000 ha lúa đông xuân phải lùi lịch xuống giống
ĐBSCL còn trên 300.000 ha lúa ĐX phải lùi lịch xuống giống. |
Nguy cơ hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL như năm 2016 đang hiển hiện.
Đến ngày 13/12, theo báo cáo từ Cục Trồng Trọt, các tỉnh Nam Bộ đã xuống trên giống 1,2 triệu ha lúa đông xuân (ĐX), đạt trên 80% kế hoạch (dự kiến 1.550.000 ha). Thời điểm này, mặn xâm nhập sớm hơn so với dự báo khoảng 1,5 tháng tại ĐBSCL cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ngọt phục vụ sản xuất lúa ĐX 2020.
ĐBSCL còn trên 300.000 ha lúa ĐX chưa xuống giống tập trung tại các tỉnh ven biển như Trà Vinh (42.000 ha), Long An (35.000 ha), Bạc Liêu (29.568 ha), Sóc Trăng (55.000 ha), Tiền Giang (21.000 ha)… Riêng An Giang còn trên 94.000 ha (kế hoạch 232.000 ha) chưa xuống giống.
Với tình hình hạn, mặn đến sớm như thời điểm này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT khuyến cáo chuyển đổi thêm 50.000 ha lúa ĐX sang các loại cây trồng khác tiết kiệm nước và thích ứng với hạn mặn. Đồng thời khuyến cáo các địa phương nên lùi lại lịch thời vụ.
Nhận định từ Chi cục Thủy lợi Trà Vinh: Mùa khô 2019-2020 trên địa bàn Trà Vinh diễn biến phức tạp. Nước từ thượng nguồn đổ về rất thấp, xâm nhập mặn từ 2 nhánh sông lớn Cổ Chiên và sông Hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 12/2019, ranh mặn 4‰ trên tuyến sông Cổ Chiên có chiều dài ảnh hưởng trên 50 km.
Lúa ĐX có nguy cơ thiếu nước do mặn đến sớm. |
Tại cống Cái Hóp độ mặn cao nhất 8,7‰ đo được vào ngày 12/12, cùng kỳ năm 2018 thì mặn không xuất hiện tại đây. Còn so với năm 2016 thì cao hơn 7,5‰. Tương tự tại vàm Bong Bót độ mặn đo được cũng đạt 4,9‰, cùng kỳ năm trước mặn không xuất hiện. Trong khi đó, mực nước nội đồng hiện thấp hơn cùng kỳ khoảng 20 cm, đạt mức 0,38 m (mực nước đảm bảo phải từ 0,5 m trở lên). Trong khi đây mới là thời điểm đầu vụ ĐX nên khả năng thiếu nước toàn tỉnh là rất lớn.
Ông Lê Quang Răng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Trà Vinh cho biết: Với tình hình trên diện tích xuống giống có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là 34.803/66.000 ha (chiếm 53%). Vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, 100% kế hoạch xuống giống là Trà Cú (9.500 ha), Cầu Ngang (5.000 ha), Duyên Hải (1.500 ha)… Vì vậy, hướng tới sẽ vận động người dân chuyển sang trồng màu hoặc lịch thời vụ sẽ chậm lại.
Đồng thời, đậy các cống ngăn mặn xâm nhập. Đối với vùng khi có nước ngọt về thì đắp bờ bao, bờ vùng trữ nước phục vụ sản xuất.
Hiện nước mặn có nồng độ hơn 2‰ đã xuất hiện tại TP Mỹ Tho cách cửa Tiểu hơn 60km. Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn giải pháp đối phó khẩn cấp với nước mặn. Trong đó, tập trung bảo vệ hơn 24.000 ha lúa, hàng nghìn ha vườn cây thanh long ở vùng ngọt hóa Gò Công.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT cùng các ngành và chính quyền các địa phương có kế hoạch cụ thể để ứng phó với nước mặn. Giao Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang khẩn trương tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, Cty này phải có kế hoạch vận hành hệ thống cống đập ngăn mặn, lấy ngọt hợp lý phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân.
Khuyến cáo chuyển đổi từ cây lúa sang cây ngắn ngày, ít nước. |
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, ở thời điểm này Cty đã bố trí cán bộ, nhân viên trực 24/24 tại các cống Xuân Hòa, cống Bảo Định đo đạc độ mặn để chủ động lấy nước ngọt. Chỉ riêng cống Xuân Hòa mỗi ngày lấy gạn được hơn 1 triệu mét khối nước ngọt
Tại các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang có gần 7.000 ha đất lúa chưa gieo sạ, chính quyền và ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cắt vụ hay chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày khác. Hơn 3000 ha vườn thanh long vùng thiếu nước ngọt, ngành nông nghiệp sẽ vận động nhà vườn tạm ngưng xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ để bảo vệ an toàn khi khan hiếm nguồn nước ngọt.
Các phương án đắp kênh trữ nước, bơm chuyển từ kênh trục chính lên kênh sườn để vào ruộng đồng và nạo vét, khai thông dòng chảy tại các kênh mương thủy lợi cũng đang được chính quyền và người dân vùng hạn mặn khẩn trương triển khai.
Để ứng phó với hạn mặn có thể kéo dài và ảnh hưởng trên diện rộng, Tiền Giang có kế hoạch sẽ làm việc với các địa phương của tỉnh Long An để phối hợp khép kín các cống đập ở địa bàn giáp ranh. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang là bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn cho sản xuất, kiểm soát được nước mặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nước mặn gây ra.
Nông dân làm đất xuống giống vụ Đông Xuân. |
Hạn mặn đến sớm, thách thức ngành bảo vệ thực vật Năm 2019, tình hình dịch bệnh và dịch hại trên cây lúa và một số loại cây ăn trái có xu hướng giảm. Công tác BVTV, phòng chống dịch bệnh trong năm được thực hiện chủ động, hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, một số đối tượng mới như khảm lá sắn (mì), sâu keo mùa thu có xu hướng tăng nặng và xuất hiện rải rác trên đồng ruộng. Đồng Nai là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh và dịch hại này. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Nai, đến nay tỉnh có hơn 2.700 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá (chiếm 18%) còn sâu keo mùa thu gây hại 426 ha bắp. Tình hình biến đổi khí hậu gay gắt, nhất là hạn, mặn đến sớm vào đầu vụ đông xuân sẽ ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, đồng thời các loại dịch hại diễn biến phức tạp. Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, để kịp thời chủ động ứng phó tình hình, đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương sớm chủ động, dự báo kịp thời tình hình phát triển của côn trùng gây hại có khả năng bùng phát, nhất là các loại dịch hại thường xuyên xuất hiện trong thời gian gần đây như đạo ôn, muỗi hành, rầy nâu và bệnh vàng lùn lùn xoắn lá.
Chú trọng cơ giới hóa trong khâu làm giống, các chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI, VNSAT…; tránh bón thừa đạm để giảm sâu bệnh, giảm thuốc BVTV… Theo ông Thiệt, năm 2019, chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường đã thực hiện được hai đợt thu gom vỏ chai và bao bì thuốc BVTV tạo nên ý thức tốt và có tính lan tỏa trong nông dân. Tháng 2/2020, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện đợt thu gom kế tiếp để tăng cường ý thức cộng đồng trong khâu sử dựng thuốc BVTV có trách nhiệm. Cần có quy chế phối hợp giữa các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp với các Chi cục Trồng trọt và BVTV và Trung tâm BVTV Phía Nam trong công tác dự báo, phòng chống dịch bệnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn