Cao điểm xuất khẩu chuối thường kéo dài từ cuối năm sang các tháng đầu năm sau, nhất là ở Trung Quốc không trồng được chuối vào mùa đông. Từ thời điểm này, thương lái đã xuất hiện ở một số vùng trồng để mua chuối xuất khẩu nhưng thị trường tiêu thụ trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Diện tích chuối trồng tự phát rất lớn mà thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc. Ảnh: N.V
Theo ông Nguyễn Văn Diệm - nông dân trồng chuối ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), mưa dầm kéo dài thời gian qua ảnh hưởng khá nhiều đến năng suất, chất lượng chuối. Hiện giá chuối xuất khẩu bán tại vườn dao động từ 3.500 – 3.700 đồng/kg. Vì nhiều người dự đoán năm ngoái chuối rớt giá thì năm nay sẽ đắt hàng nên diện tích chuối trồng tự phát rất lớn mà thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc.
Trảng Bom là địa phương có diện tích trồng chuối già hương cấy mô lớn nhất trên tỉnh Đồng Nai. Nơi đây cũng là tâm điểm của cuộc “giải cứu” chuối mùa vụ vừa rồi. Trong khi giá tiêu liên tục giảm thấp, cây tiêu bị dịch bệnh, chuối già hương vẫn là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vốn đầu tư ít và cho thu hoạch nhanh hơn các loại cây khác.
Từ tháng 7, anh Nguyễn Văn Bình ở ấp Trường An (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đã hoàn thành việc chuyển đổi 2ha trồng tiêu còn lại sang trồng chuối, nâng tổng diện tích trồng chuối vụ này lên 4ha. “Mấy năm qua vườn tiêu bị bệnh chết rải rác. Chuối chỉ trồng 9 tháng là đã thu hoạch. Trồng tiêu nếu nhanh cũng phải 3 - 4 năm mới có thu nên tôi không dám trồng mới” - anh Bình nói.
Theo UBND xã Thanh Bình, toàn xã có khoảng 700ha trồng chuối các loại, trong đó riêng chuối già hương cấy mô là hơn 100ha. Trung Quốc vẫn là thị trường dễ tính so các nước nên quy trình trồng của nông dân không phức tạp như các doanh nghiệp. Việc trồng chuối theo kiểu may rủi năm được năm mất cũng là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn tiếp tục dè dặt đầu tư vào vụ chuối mới.
Tác giả bài viết: Nguyên Vỹ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn