Nông dân xã Yên Lộc (Kim Sơn) thu hoạch lúa mùa
Vụ mùa 2015, huyện Kim Sơn gieo cấy 8.315 ha, trong đó, các HTX nông nghiệp gieo cấy gần 7.853 ha, Công ty TNHH MTV Bình Minh gieo cấy 462 ha. Về cơ cấu giống lúa, tập trung chủ yếu là giống lúa thuần với diện tích hơn 7.155 ha (chiếm 86% tổng diện tích), với các giống lúa như: Lúa chất lượng cao 5.395 ha; Nếp 1.201 ha, Khang dân 157 ha; lúa thuần 402 ha.
Trong đó, giống lúa chất lượng cao chiếm 64,8% diện tích. Các giống lúa lai gieo cấy trên 1.160 ha với các giống lúa: Phú ưu 259,2 ha; Nhị ưu 425,7 ha; Thục hưng 5,7 ha... Lúa được gieo cấy chủ yếu ở trà mùa trung với 7.889 ha, chiếm 94,8%.
Diện tích lúa mùa muộn là 426 ha, chiếm 5,1% diện tích. Diện tích lúa mùa muộn tăng 0,2% so với vụ mùa năm 2014, tập trung ở các xã thuộc tiểu khu 1, tiểu khu 2.
Theo đánh giá ban đầu của huyện và ngành chức năng, năng suất lúa vụ mùa của huyện Kim Sơn ước đạt 56,67 tạ/ha, sản lượng là 47.120 tấn. Cụ thể, giống lúa lai ước đạt 65,18 tạ/ha, sản lượng 7.557 tấn; giống lúa thuần ước đạt 55,29 tạ/ha, sản lượng 39.563 tấn.
Các xã ước đạt năng suất cao như: Kim Tân, Kim Định, Chính Tâm, Xuân Thiện, Chất Bình... Sản lượng lúa lớn tại các xã như: Lai Thành, Quang Thiện, Kim Mỹ, Công ty TNHH MTV Bình Minh...
Tuy năng suất giảm so với vụ mùa năm 2014, song vụ mùa năm nay vẫn là một vụ sản xuất lúa thắng lợi đối với người dân huyện Kim Sơn. Lý giải về vấn đề trên, đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết:
Vụ mùa năm nay, năng suất thấp hơn so với vụ mùa năm 2014 là do một số nguyên nhân. Thứ nhất là do sự chuyển dịch cơ cấu giống lúa, chuyển từ giống lúa sản lượng cao sang giống lúa chất lượng cao.
Chính vì vậy, tỷ lệ gieo cấy giống lúa chất lượng cao đã tăng từ 54,6% diện tích vụ mùa năm 2014 lên 64,8% diện tích vào năm nay.
Nguyên nhân thứ hai là do những diễn biến thất thường của thời tiết. Đầu vụ, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, thêm vào đó, khoảng thời gian giữa vụ lại có mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Nguyên nhân thứ ba là do diễn biến sâu bệnh hại lúa khá phức tạp. Rầy nâu năm nay phát triển mạnh, mật độ cao gấp đôi so với năm trước. Ngay sau đợt rầy nâu là thời kỳ sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, nên công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời từ huyện đến cơ sở nên sản xuất nông nghiệp của huyện vượt qua khó khăn, giữ vững thành quả lao động của người nông dân. Đến thời điểm này đã có 3 xã bắt đầu triển khai thu hoạch lúa là: Yên Lộc, Yên Mật và Tân Thành.
Do những diễn biến phức tạp của thời tiết nên năm nay, lúa mùa trên địa bàn tỉnh gặp phải tình trạng chung là lép hạt khá cao. Tình trạng lép hạt không chỉ xuất hiện ở cổ bông mà ở cả bông lúa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và năng suất lúa. ở Kim Sơn, tình trạng này không cao, song xuất hiện nhiều hơn so với vụ trước.
Qua ghi nhận của phóng viên, tại các cánh đồng của xã Định Hóa, lúa đang giai đoạn chắc xanh - chín. Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Định Hóa cho biết: Năm nay, toàn xã gieo cấy 423 ha với 95% giống lúa thuần, năng suất ước đạt từ 58 - 60 tạ/ha nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái (61 tạ/ha). Năm nay, lúa phát triển đồng đều hơn.
Trong thời gian giữa vụ, sâu bệnh phát triển mạnh, song HTX đã triển khai tuyên truyền, thông báo lịch phòng trừ cụ thể tới người dân.
Do công tác phòng trừ sâu bệnh được các cấp, các ngành quan tâm sát sao nên không gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng lúa. Một số diện tích nhỏ, lúa bị đổ do mưa to, giông gió. Dự kiến đến ngày 7-10, toàn huyện tập trung thu hoạch vụ mùa, hoàn thành trước ngày 15-10.
Tại xã Yên Lộc, người dân đã bắt đầu triển khai thu hoạch lúa. Một số người dân cho biết, lúa năm nay khá đồng đều. Tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, song cũng có thuận lợi như giá thành thuê máy gặt rẻ hơn so với vụ trước. Thời điểm hiện tại, giá thuê máy gặt khoảng 90 nghìn đồng/sào.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn