Tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.
(Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+)
Quy hoạch này nhằm phát triển chăn nuôi gia súc đảm bảo bền vững, an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận diễn ra khá gay gắt. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện việc quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung để đến năm 2020, nghề chăn nuôi của tỉnh phát triển một cách bền vững, nâng cao hiệu quả chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch này. Sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn công bố quy hoạch, đồng thời sẽ phối hợp với các địa phương sớm triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo các mục tiêu đã đề ra như trong quy hoạch.
Bước đầu, Ninh Thuận sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất cỏ với quy mô hơn 300ha, gắn liền với vùng chăn nuôi gia súc có sừng, với sản lượng cỏ hàng năm đạt khoảng 56.700 tấn, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án chăn nuôi tập trung với công nghệ hiện đại.
Sau đó, tỉnh tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tập trung gắn liền với đồng cỏ (được bố trí hơn 1.900ha), chiếm khoảng 60-70% tổng đàn gia súc có sừng đến năm 2020. Trong số này, đàn bò có 55.000 con, chiếm khoảng 57% tổng đàn; đàn dê có 35.000 con, chiếm khoảng 59% tổng đàn; đàn cừu 60.000 con, chiếm khoảng70% tổng đàn, chủ yếu tập trung ở một số địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi gia súc có sừng của 6huyện trong tỉnh.
Để thực hiện việc phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, Ninh Thuận sẽ đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu với chuyển giao, xã hội hóa đầu tư nghiên cứu... Tỉnh cũng sẽ chú trọng đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về kiến thức chăn nuôi thông qua các hoạt động khuyến nông, kỹ thuật chăn nuôi, chế biến…
Hiện tổng đàn gia súc của Ninh Thuận gồm hơn 254.000 con; trong đó nhiều nhất là cừu với 92.000 con, bò hơn89.000 con, còn lại là gia súc khác./.
Công Thử (TTXVN/Vietnam+)