Cánh đồng xã Xuân Lam, Xuân Hồng (Nghi Xuân) trước những ngày mưa đã ăm ắp nước. Không phải tự nhiên mà có, hơn nửa tháng, từ ngày mặn xâm nhập, trạm bơm Nghi Xuân và các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ sông Lam phải đóng chặt; cán bộ, công nhân ở các trạm bơm thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phải giành giật từng chút nước ngọt với “giặc” mặn để bơm tưới về đồng được vài giờ mỗi ngày.
Ông Nguyễn Đức Lộc - Cụm trưởng Cụm Thủy nông Hồng Lam (Nghi Xuân) cho biết: “Cống đóng hơn 2 tuần lễ là thời gian kỷ lục từ trước tới nay. Để lấy được nước, chúng tôi phải cắt trực theo ca 24/24h. Ngặt nỗi, cống lấy trực tiếp từ sông Lam nên anh em chúng tôi phải “canh” từng tí một, kể cả 2-3h sáng vẫn tiến hành đo độ mặn để tranh thủ tối đa thời gian thủy triều và nồng độ mặn cho phép bơm tưới”.
Có nước về bà con Xuân Hồng (Nghi Xuân) ra quân làm đất, gieo cấy lúa hè thu |
Cây lúa quả là có sức sống mãnh liệt, cũng như quyết tâm của bà con nông dân ở đây. Chỉ sau mấy ngày có nước từ trạm bơm về, lúa non đã lấy lại được màu xanh mơn mởn. Ông Nguyễn Đình Từ (thôn 4, Xuân Hồng, Nghi Xuân) cho biết: “Cách đây chưa đến một tuần ruộng khô nứt nẻ hết, giờ có nước về rồi phải tập trung gieo cấy thôi. Nhà tôi làm 6 sào, hôm nay nữa là được 3 sào. Biết thời vụ chậm rồi nhưng không làm lấy gì mà ăn, bây giờ thì chỉ sử dụng giống cực ngắn P6 đột biến thôi”. Dù đã chậm tiến độ mấy ngày so với lịch của tỉnh, song, bà con nông dân ở đây vẫn quyết bám ruộng, gieo cấy bằng mọi giá.
Kể cả như gia đình bà Trần Thị Mai ở xóm 3 - Xuân Lam, nhà chỉ còn 2 ông bà già, cả tháng nay lại đau ốm. Gặp phải lúc trời hạn hán, định bụng sẽ bỏ ruộng không làm nhưng thấy nước về chân ruộng, ông bà lại ở nhà không yên. “Hôm nay nữa là xong 3 sào đấy chị ạ! Thế mà nghĩ là bó tay rồi. Cũng nhờ công ty “ép” nước về cho dân, giờ chỉ mong mưa lụt đừng đến sớm để người nông dân chúng tôi có thêm hạt gạo”. Riêng đối với vùng Xuân Lam, Xuân Hồng thì vụ hè thu 2015, công ty phải tưới ngoài hợp đồng thường xuyên thêm gần 30 ha vì địa phương không đủ nước để điều tiết.
“Đỉnh” của đợt hạn hán vừa qua chủ yếu rơi vào các địa phương: Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà và phía Bắc Thạch Hà. Trong số này có đến 6/8 huyện thuộc vùng quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh. Trong khi hạn hán kéo dài, nước đổ xuống chưa kịp tráng kênh đã khô cạn thì tuyến hồ chứa xuống thấp nhất trong vòng vài thập kỷ. Có những thời điểm công ty phải dùng máy bơm dầu, trạm bơm dã chiến để bơm hỗ trợ cho vùng tưới hồ, đặc biệt là vùng thượng Can Lộc.
Đối với vùng tưới Lộc Hà, công ty đã kịp thời phối hợp với huyện tiến hành nạo vét kênh Hồng Tân và một số tuyến chính đến bể hút các trạm bơm kết hợp điều tiết từ hồ Khe Hao, Đồng Hố tạo nguồn cho trạm bơm, phục vụ nước tưới toàn bộ diện tích thuộc các xã Hồng Lộc, Ích Hậu, Tùng Lộc và Phù Lưu. Thậm chí, ở Hương Sơn, địa phương này đã phải khoan đào kênh dẫn lấy nước.
Để "ép" nước về các địa phương, cán bộ, công nhân Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phải túc trực 24/24h. |
Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc công ty cho biết: “Chống hạn cũng như chữa cháy. Chúng tôi phải sẵn sàng lực lượng cao nhất, phương án tối ưu nhất để bằng mọi giá đảm bảo nguồn nước cho dân sinh và sản xuất. Trước vụ sản xuất, công ty đã tập trung nạo vét các tuyến kênh dẫn, sửa chữa một số công trình xuống cấp. Cùng với đó, lập phương án chuyển tải nước hợp lý, tiết kiệm. Đến thời điểm này, 100% diện tích khu tưới đã cấp đủ nước. Tại trạm bơm Linh Cảm đang tiến hành bơm đợt 2 cho tưới dưỡng. Sau đợt mưa này, đồng ruộng sẽ được bổ sung nước, nhờ vậy, công ty sẽ tiết kiệm được nguồn nước để dành cho các đợt cuối vụ”.
Những cơn mưa xuất hiện vào những ngày cuối tháng 6 dù chưa đủ tạo dòng để bổ sung nước dự trữ cho các hồ đập nhưng ít ra cũng có tác dụng “giải khát” cho đồng ruộng. Tuy nhiên, mùa hạn vẫn chưa qua ngưỡng khó, cuộc chiến bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân chỉ vừa mới bắt đầu…
Nguyễn Oanh - Chính Thu
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn