Xâm nhập mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua khiến người nuôi bò ở Bến Tre điêu đứng vì rơm khan hiếm. Giá rơm làm thức ăn cho bò đang ở mức 26.000 đồng/cuộn (12 - 15kg).
Bò teo tóp vì thiếu rơm
Với tổng đàn bò của tỉnh khoảng 155.000 con thì mỗi ngày cần hơn 10 tấn rơm. Nguồn rơm tại chỗ khan hiếm nên người nuôi bò phải qua Đồng Tháp mua rơm về dự trữ. Nước sông cạn kiệt việc vận chuyển rơm cũng khó khăn. Ông Đỗ Văn Bình, ấp Tân Phước, xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm) canh tác 5 công lúa cho biết: "Tôi nuôi đàn bò 9 con, vụ này phải đặt cọc mua 6 triệu đồng/ha rơm cho bò ăn. Nhưng đến nay, chẳng có rơm mà thu gom. Giải pháp cứu đói cho bò lúc này là tìm mua rơm nơi khác về dự trữ. Khan hiếm nước ngọt và rơm nên bò hơi bị thương lái ép giá, nhiều hộ buộc phải giảm đàn. Hiện tại, bò thịt đã giảm giá từ 10 - 15%, bò sinh sản giảm khoảng 30% so với sau tết”. Ông Võ Văn Chắc, ấp Tân Phước, xã Tân Thanh có 5 công lúa cho biết: "Để có vốn SX lúa, tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng. Cuối lúa thu hoạch xong thì trả, nhưng giờ lúa không trổ được. Lo nhất hiện nay là không có rơm cho bò ăn. Bình quân, 1 con bò mang thai ăn khoảng 1 kg rơm/giờ. Giá rơm hiện nay 2.000 đồng/kg thì bình quân 1 con bò "ăn" hơn 1 triệu đồng/tháng". Còn ông Nguyễn Văn Lương, cùng ấp Tân Phước cho hay, gia đình vừa tích cóp được 1,3 triệu đồng mua 50 cuộn rơm cho bò. Với lượng rơm trên thì 2 con bò sinh sản, cộng với 2 con nghé ăn trong vòng 1 tháng là sạch... Vụ này, mặn tràn vào mất cả lúa lẫn rơm. 9 công lúa đã 70 ngày tuổi không trổ nổi một bông. Rơm đắt như tôm tươi Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bến Tre, toàn tỉnh có trên 13.800ha lúa bị mất trắng do hạn, mặn. Nước mặn đã bao vây 161/165 xã phường của tỉnh. Hiện tại, chỉ còn 4 xã của huyện Chợ Lách giáp ranh với huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chưa bị xâm nhập mặn. Nước máy cấp cho người dân sử dụng với giá 8.000 đồng/m3 cũng đã nhiễm mặn.