* Thiếu điện nuôi tôm
Chị Nguyễn Thị Hằng (48 tuổi), ngụ ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời bắt đầu nuôi TTCT năm 2013. Vụ rồi, chị nuôi 2 ao với diện tích 6.500 m2, thu hoạch vào tháng 1/2014 được 5 tấn tôm bán giá 138.000 đ/kg (loại 100 con/kg) thu được hơn 600 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí lời khoảng 300 triệu.
Chị Hằng cho biết, hiện 2 ao đã thả nuôi vụ tôm mới được 1,5 tháng, tôm phát triển rất tốt. Tuy nhiên, giá TTCT hiện tại thương lái cân tại vuông chỉ còn 85.000 đ/kg (loại 100 con/kg). Với giá này so với đợt thu hoạch hồi đầu năm giảm tới 50.000 đ/kg. Dự định của chị là nuôi thêm khoảng 1 ha, nhưng tình hình giá tôm rớt như hiện nay nên dừng lại.
Ông Dương Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc cho biết, gia đình đang dự định đầu tư cải tạo thêm 5.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh sang nuôi TTCT thì được thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo không nên đầu tư ồ ạt nên đã dừng. Hiện diện tích nuôi TTCT toàn xã lên đến 283 ha.
Theo Hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản Cà Mau, nguyên nhân tôm rớt giá do thương lái Trung Quốc hạn chế mua bởi tôm nhiễm chất chitin (trong vỏ và đầu tôm) và có đoàn kiểm tra chất lượng sản phẩm nên các DN chế biến tạm dừng thu mua. Thêm vào đó các nước Thái Lan, Ấn Độ năm trước bị mất mùa tôm, năm nay thắng đậm nên sản lượng tôm tăng mạnh.
Người nuôi tôm còn khó khăn do thiếu hụt điện để chạy quạt tạo khí oxy cho ao nuôi. Nuôi TTCT nhu cầu điện cần nhiều hơn tôm sú vì phải chạy quạt liên tục.
Anh Lê Quốc Toán ở ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP Cà Mau nói: “Tôi đang nuôi 2 ao với diện tích 5.000 m2 hàng tháng phải trả trung bình khoảng 2,5 triệu đồng tiền điện (giá đã được hỗ trợ). Nhu cầu dùng điện của người nuôi tôm rất lớn, nhưng ngành điện không đáp ứng được. Đặc biệt buổi tối người dân dùng điện sinh hoạt tăng, cùng lúc quạt chạy oxy trên đầm tôm hoạt động gây quá tải, liên tiếp xảy ra nổ bình biến áp".
theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn