Để giúp người nuôi chủ động hơn trong sản xuất, TSVN xin lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Tình trạng nắng nóng kéo dài sẽ khiến cho các yếu tố môi trường ao nuôi (yếu tố pH và nhiệt độ nước) biến động liên tục. Việc giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hoà tan... trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt. Do vậy, phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và theo dõi hoạt động của tôm.
2. Khi xây dựng hệ thống ao nuôi, cần bố trí diện tích ao lắng (chiếm 20 - 30% tổng diện tích ao nuôi) để chủ động được nguồn nước cấp cho ao nuôi và hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập. Duy trì mực nước trong ao (> 1,2 m) để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng.
Thời tiết nắng nóng dễ ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm - Ảnh: Máy Cày
3. Trong thời gian nắng nóng, nếu xuất hiện những trận mưa đầu mùa sẽ cuốn trôi phèn từ bờ ao xuống ao nuôi tôm làm pH giảm thấp, nhiệt độ phân tầng, tảo tàn, sinh ra khí độc dẫn đến hiện tượng tôm yếu, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh khiến tôm nuôi bị chết. Do vậy, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống.
4. Cần trang bị đầy đủ và đảm bảo chất lượng các nguyên liệu phục vụ nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh (vôi, chất khoáng, men tiêu hóa…) giúp tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm nuôi. Khi thấy có dấu hiệu mưa, cần rải vôi xung quanh bờ ao tôm với liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
5. Trong thời gian nắng nóng có thể tạo điều kiện cho tảo phát triển mạnh vào ban ngày. Tuy nhiên, vào ban đêm cho đến sáng hôm sau sẽ xuất hiện tình trạng thiếu ôxy trong nước do tảo hô hấp, dẫn đến tôm nuôi nổi đầu. Do vậy, cần duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp ôxy cho ao nuôi bằng các sản phẩm có chất lượng, quản lý tốt chế độ cho ăn vào thời gian này.
6. Nên thả tôm nuôi với mật độ vừa phải để dễ quản lý. Trong suốt quá trình nuôi, cũng nên ghi sổ nhật ký theo dõi sự thay đổi các yếu tố môi trường, hoạt động của tôm nuôi hằng ngày để thuận tiện cho việc quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng hiệu quả của vụ nuôi.
nguồn: thuỷ sản việt nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn