Bến Tre được xem là “thủ phủ” cây cacao vùng ĐBSCL với hơn 10.000ha. Thế nhưng, do giá bán xuống thấp nên nhiều nông dân đốn bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác. Hàng loạt nhà máy chế biến cacao đang có nguy cơ “đói hàng”.
Đã có 2.000ha cacao biến mất. Và con số này đang tiếp tục tăng.
Bỏ cacao sang bưởi
Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có diện tích cacao trồng xen dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre mấy năm trước. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 7-2013 muốn tìm một vườn cacao ở đây không phải dễ. Hầu hết vườn cacao đã bị đốn trụi để trồng cam, bưởi. Các vựa thu mua hạt cacao vắng hoe.
Ông Nguyễn Văn Lem (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) đưa chúng tôi xem vườn của gia đình rộng 6.000m2 trước đây là “mô hình cacao mẫu của huyện”, nhưng bây giờ chẳng còn cây cacao nào. Thay vào đó là bưởi và chanh mới trồng gần đây. Khi phát hiện ông Lem bắt đầu đốn bỏ cây cacao, chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ phân bón để đừng đốn nữa nhưng ông không chịu. “Tôi là người đi đầu phong trào trồng cacao ở huyện Giồng Trôm, nhưng cũng là người đi đầu việc đốn bỏ cây cacao ở đây. Lúc cacao giá 5.000-6.000 đồng/kg trái người dân ở đây khoái lắm. Còn bây giờ chẳng còn ai nói tới vì lợi nhuận thua xa cây bưởi da xanh”.
Sẽ mở rộng mạng lưới thu mua Trước tình hình trên, Công ty TNHH Puratos Grand-Place VN cho biết đang cố gắng duy trì diện tích có sẵn ở khu vực Bến Tre, Tiền Giang, đồng thời triển khai thêm một số dự án phát triển diện tích cacao ở Vĩnh Long (100ha trong năm nay và 50ha cho những năm tiếp theo), sau đó mở rộng ra tỉnh Trà Vinh và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Ngoài ra, công ty cũng triển khai mạng lưới mua phủ khắp vùng để tiêu thụ tối đa hạt cacao của nông dân với giá ổn định. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, cho biết diện tích trồng cacao của huyện trước đây là 2.500ha, tuy nhiên hiện chỉ còn chừng phân nửa vì dân đổ xô đốn bỏ và một số cây bị chết. “Chúng tôi không thể áp dụng biện pháp hành chính đối với người tham gia dự án trồng cacao. Dù đã hỗ trợ khá nhiều nhưng khi họ đốn bỏ thì đành bó tay” - ông Tuấn nói.Theo nhiều người dân ở Bến Tre, trước đây cây cacao cho thu nhập khá, khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên gần đây giá giảm mạnh, có lúc chỉ còn 3.000 đồng/kg trái tươi nên nông dân không có lãi, thậm chí bị lỗ nếu năng suất thấp. Trong khi đó, những người trồng bưởi da xanh phất lên nhanh do giá bưởi có lúc lên tới 35.000 đồng/kg. Thế là mọi người ùn ùn đốn bỏ cây cacao một cách không thương tiếc.Nhà máy lo thiếu nguyên liệu
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre, dự kiến tháng 9-2013 Công ty TNHH Puratos Grand - Place VN sẽ đưa nhà máy chế biến cacao tại Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) vào hoạt động với công suất chế biến trên 2.000 tấn hạt/năm. Ông Phan Văn Khổng, giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư Bến Tre, cho biết ngoài nhà máy này còn hai doanh nghiệp lớn khác đang đặt trạm tại Bến Tre là Công ty TNHH Phạm Minh mua 300 tấn hạt/năm và Công ty TNHH Cargill VN mua 1.000 tấn hạt/năm. Như vậy chỉ tính ba doanh nghiệp này thì mỗi năm nhu cầu hơn 3.300 tấn hạt nguyên liệu. Trong khi đó diện tích cacao của tỉnh còn hơn 8.000ha nhưng diện tích đang cho trái khoảng 5.000ha, sản lượng tối đa có thể đạt không tới 3.000 tấn hạt/năm. Như vậy gần như chắc chắn nguồn cung hạt cacao nguyên liệu sẽ bị thiếu. “Đúng thời điểm “vàng” cho cây cacao thì người nông dân lại đốn bỏ hàng loạt để trồng cây khác. Lợi nhuận từ cacao sụt giảm do giá giảm nhưng vẫn còn có lãi vì cacao là cây trồng xen góp phần gia tăng thu nhập cho dừa chứ không phải cây trồng chính” - ông Khổng tiếc nuối. Cũng theo ông Khổng, người dân đổ xô đốn bỏ cacao có trách nhiệm của cơ quan khuyến nông địa phương vì chưa làm tốt khâu chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất. Hiện tại năng suất trung bình cây cacao dưới 600kg/ha, trong khi nếu làm đúng kỹ thuật cơ bản có khả năng đạt năng suất trên 1,3 tấn/ha. “Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trồng cacao năng suất thấp và đốn bỏ ào ạt là kinh phí tập huấn, tuyên truyền khó khăn nên chưa tổ chức thường xuyên và chưa theo sát người dân” - ông Khổng nói.