Những năm gần đây, sản phẩm cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc... của Hòa Bình đã có thương hiệu trên thị trường, giúp hàng nghìn hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và trở nên giàu có, riêng thị trấn huyện Cao Phong có tới 200 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm từ cây cam.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho biết đến nay, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh khoảng 8.100 ha, tăng 5.700 ha so với năm 2013; trong đó cam, quýt 5.400 ha, diện tích kinh doanh 3.600 ha cho thu nhập trung bình 700 triệu đồng/ha/năm, bưởi 2.700 ha, diện tích kinh doanh 760 ha cho thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha/năm.
Cây ăn quả có múi cho thu nhập cao đã tạo ra sức lan tỏa đến nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài vùng chuyên canh cam ở Cao Phong, huyện Lạc Thủy cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 ổn định quy mô 850 ha cam, quýt.
Tại vùng đất khô hạn của huyện Yên Thủy, riêng xã Bảo Hiệu đã có 35 hộ trồng 105 ha cam.
Gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn, xóm Đội 2, người tiên phong trồng cây có múi tại địa bàn, cho biết diện tích vườn của gia đình mở rộng trên 17 ha; trong đó có 7 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Các giống cây ăn quả có múi chủ yếu là cam Canh, cam V2, bưởi các loại...
Niên vụ 2016-2017, gia đình ông xuất bán ra thị trường 70 tấn cam với giá trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, 10 vạn quả bưởi giá dao động từ 14.000-20.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí, ông Tuấn thu về trên 2 tỷ đồng và còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người.
Diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi ở tỉnh Hòa Bình tăng nhanh đã tạo áp lực rất lớn đến thị trường tiêu thụ, nông dân đứng trước nguy cơ "được mùa, mất giá." Hiện nay, trừ những hộ trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap có nơi bao tiêu sản phẩm thì giá cam, bưởi của những hộ trồng đại trà đã giảm từ 10-20%. Trong niên vụ 2017-2018, sản phẩm cam, bưởi cũng bắt đầu có dấu hiệu tiêu thụ khó khăn hơn, nhiều nhà vườn bị tư thương ép giá...
Cây ăn quả có múi ở Hòa Bình đang phát triển "nóng" và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng cây ăn quả của tỉnh. Tại huyện vùng cao Đà Bắc, không quy hoạch trồng cam, nhưng một số hộ nông dân tự phát trồng.
Ông Bùi Đắc Quang, xóm Tày Măng, xã Tu Lý đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng cam, nhưng do không hợp chất đất nên cam chua, thu hoạch không đáng kể, thua lỗ nặng. Huyện Tân Lạc cũng đang phải tập trung "giải bài toán” tiêu thụ cho nhiều loại nông sản, trong đó có cây bưởi.
Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc, năm 2013 diện tích trồng bưởi của huyện mới chỉ có gần 110ha thì đến năm 2015 đã tăng lên 558,4ha.
Đến hết năm 2017, diện tích trồng bưởi trên toàn huyện tăng lên gần 1.000ha và người dân trong huyện vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi.
Đặc biệt, trong cơn “khát” đất trồng cam, một số doanh nghiệp, hộ nông dân trong tỉnh đã tùy tiện phá cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để trồng cam, bưởi, gây hệ lụy cho môi trường.
Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống không bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao và không áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).
Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công, thời gian bảo quản ngắn không đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch; đồng thời việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng ít, giá trị sản phẩm chưa cao.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi trong toàn tỉnh là 8.500ha, nhưng với phong trào “Người người trồng cam, nhà nhà trồng bưởi," bất chấp quy hoạch, nguy cơ dư thừa trái cây, mất giá là rất cao.
Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Hòa Bình cần khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng cây ăn quả có múi, quản lý chặt chẽ việc trồng cây cam, bưởi theo quy hoạch vùng và kiên quyết không hỗ trợ vốn, giống cho những hộ dân tự phát trồng ngoài quy hoạch, đặc biệt, quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, không để hộ dân, doanh nghiệp chuyển đổi trái phép đất rừng sang trồng cây ăn quả.
Để phát triển cây ăn quả bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vương Ðắc Hùng cho biết cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống.
Tỉnh triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng khu sơ chế sản phẩm với công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất; chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn