Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), lượng bệnh nhân tăng khoảng 10% so với ngày thường. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi), số bệnh nhân vào viện chủ yếu dưới 2 tuổi, do bị viêm phổi.
Cũng có một số trường hợp học sinh phải vào viện do viêm phổi vì mặc không đủ ấm đi học đã bị nhiễm lạnh. Song, do được đưa vào BV sớm nên hầu hết các trường hợp đều không bị nặng. Thời tiết rét đậm các bà mẹ đặc biệt lưu tâm đến 2 căn bệnh trẻ em thường hay mắc phải là tiêu chảy và hô hấp.
Theo TS. Phạm Duy Hiền, Trưởng Khoa ngoại, Phó Trưởng phòng Kế hoạch –Tổng hợp (BV Nhi Trung ương), so với ngày thường, đợt rét đậm số bệnh nhân giảm 50%, chỉ còn khoảng 1.500-1.600 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, nhưng đều là những trường hợp nặng từ các tuyến chuyển về. Hầu hết các bệnh nhi đều mắc bệnh đường hô hấp.
Trẻ nhập viện trong đợt rét đậm chủ yếu do bệnh hô hấp và tiêu chảy. |
Ở BV Lão khoa Trung ương, bác sĩ Trần Viết Lực, Phó khoa Khám bệnh cho biết, số bệnh nhân vào khám và điều trị tại đây chưa có gì bất thường. Tuy nhiên, với thời tiết lạnh sâu như hiện nay rất không tốt cho người cao tuổi, nhất là những người mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp. Trời lạnh quá dễ khiến người bệnh cao huyết áp bị đột quỵ và người bị hô hấp viêm phổi.
Lạng Sơn một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của đợt rét này, nhưng trong ngày đầu tuần ở BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng không có dấu hiệu số lượng bệnh nhân tăng.
Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: 2 ngày rét rơi vào cuối tuần, nhưng báo cáo từ các khoa cho thấy không thấy có diễn biến khác thường về số bệnh nhân nhập viện. Số bệnh nhân nhập viện vào các ngày rét đậm vừa qua chủ yếu là những người mắc bệnh tim mạch, bị tai biến mạch máu não ở các mức độ khác nhau, trong đó, nhiều người bị khá nặng do tuổi cao, sức khỏe kém và nhất là, được đưa đến BV muộn.
Một trong các “rốn” của đợt rét này là huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Bác sĩ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lộc Bình cho biết: Số người đến khám, chữa bệnh không cao hơn ngày thường, nhưng những người nhập viện chủ yếu mắc các bệnh huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, xuất huyết tiêu hóa...
Số bệnh nhi cũng không có gì bất thường. Có lẽ vì người dân địa phương đã quen với thời tiết giá lạnh, hơn nữa, trước khi có đợt rét đổ về, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm y tế huyện Lộc Bình cũng có các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét, đặc biệt là với người già, người có bệnh và trẻ em.
Với kinh nghiệm từng nhiều năm phải điều trị các bệnh nhi trong những ngày rét đậm, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bà mẹ chú ý mặc ấm cho trẻ khi đến trường, cũng như giữ ấm cho trẻ nhỏ ở nhà có thể bằng việc sưởi ấm.
Trẻ nhập viện trong đợt rét đậm chủ yếu do bệnh hô hấp và tiêu chảy. |
Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do sưởi bằng bếp than phải nhập viện mùa trước, nên PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý các bậc phụ huynh nếu sưởi bằng củi và bếp than, phải có chỗ thoát khí, tránh để bị ngộ độc. Còn nếu sưởi bằng bếp điện, cũng chú ý để trẻ không bị giật.
Khi trẻ bị ho nhiều và thời gian dài, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý không ủ ấm cho trẻ quá mức vì dễ khiến trẻ bị ra mồ hôi, thấm ngược vào người, trẻ dễ bị nhiễm lạnh, gây viêm phổi. Khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn cho ăn uống đủ chất dinh dưỡng, không cho trẻ nhịn ăn. Khi các cháu bị mất nước nhiều, cần bù nước bằng cho uống orezon.
Với những người cao tuổi, bác sĩ Trần Viết Lực lưu ý về việc cần giữ ấm, hạn chế đi ra ngoài, nhất là khi trời tối và sáng sớm, cũng như chú ý ăn đủ chất dinh dưỡng để đủ năng lượng. Những người bị bệnh tim mạch cần phải uống thuốc đủ, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trước tình hình đợt rét đậm còn kéo dài, để hạn chế tác hại với sức khỏe người dân, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã chỉ đạo các cơ sở y tế quan tâm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại BV.
Ở các nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám bệnh, buồng điều trị, buồng kỹ thuật người bệnh, phải đảm bảo kín gió, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp. Cần có phương án phòng chống rét hợp lý cho cả người nhà thăm nuôi người bệnh, không để họ nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang gây nguy hại đến sức khoẻ. Các cơ sở cũng phải bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp, nhất là các bệnh do trời lạnh gây ra như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp vv…
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng cũng lưu ý các bà mẹ, dù thời tiết lạnh, vẫn phải cho trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, nhưng phải giữ ấm cho trẻ, không để bị gió lùa, dễ nhiễm lạnh. Nếu trời mưa phải giữ cho trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không bao bọc trẻ quá kín, dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở, khiến trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.
Ngày 25-1, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng khuyến cáo: Sự thay đổi thời tiết trong mùa Đông - Xuân thường tăng nguy cơ mắc bệnh với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm và là thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển, lây lan, như bệnh viêm phế quản, viêm phổi, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người trong dịp Tết chính là cơ hội cho dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, người dân cần chủ động giữ ấm cơ thể; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời; khi ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, nhất là giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, để nâng cao sức đề kháng. Ăn, uống đồ ấm nóng; không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn