Đã thành thông lệ, mỗi khi những cây vải thiều trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) bắt đầu nở cũng là lúc những đàn ong mật được chuyển về từ khắp mọi miền đất nước. Đây không chỉ là mùa làm ăn của người nuôi ong mà còn là điều kiện cần để những cây vải được thụ phấn, góp phần tạo nên vụ mùa bội thu.
Ghé thăm điểm nuôi ong tại xã Trường Thành, chúng tôi thấy những thùng ong được xếp kín cả một khoảng vườn rộng, với hàng triệu con ong bay lượn vo ve. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Chung, chủ nuôi ong người Tuyên Quang cho biết: “Trong chuyến về Thanh Hà lần này, chúng tôi mang theo 200 thùng ong lai Ý, đến nay đã được hơn 10 ngày. Do mới là đầu vụ nên lượng mật thu được chưa nhiều. Trung bình, cứ 3 - 4 ngày ong cho lấy mật 1 lần, với 200 thùng ong, mỗi lần tôi thu được trên 1 tấn mật”.
Với sản lượng dồi dào như thế, mỗi mùa hoa, anh Chung và các ông chủ nuôi ong thu về vài trăm đến hàng nghìn thùng ong mật. Anh Chung bảo: “Tuy thu được nhiều mật nhưng do chúng tôi đều chuyển ong từ xa về đây nên chi phí khá lớn, muốn có lãi thì phải mang theo nhiều ong. Sau khi lấy mật, chúng tôi tập kết lại và xuất bán đi miền Nam hoặc xuất sang châu Âu”.
Rời Trường Thành, chúng tôi đến thăm một trong những vựa vải lớn nhất huyện Thanh Hà, đó là xã Thanh Bính. Với trên 240ha vải các loại, Thanh Bính là địa điểm lý tưởng để các ông chủ chọn làm nơi đặt ong. Anh Trần Văn Sơn, người Nam Định kể: “Năm nay là năm thứ tư tôi đưa đàn ong của mình về Thanh Hà, với hơn 1.000 thùng ong Ý. Dự kiến tôi sẽ ở lại đây khoảng 20 ngày, nhưng nếu thời tiết thuận lợi và nguồn hoa vẫn dồi dào thì tôi sẽ ở lại lâu hơn”.
Theo anh Sơn, cuộc đời người nuôi ong như anh cũng giống như những đàn ong, nay đây mai đó, ở đâu có nguồn hoa lớn là anh có mặt. Trong một năm, các anh phải di chuyển đến nhiều nơi, từ Đắk Lắk, Gia Lai, đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang… Bắt đầu khởi nghiệp nuôi ong từ năm 1994, đến nay anh Sơn đã có trong tay vốn kiến thức kha khá về loài ong. Anh tâm sự: “Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, độ rủi ro cũng cao, hơn nữa chi phí đầu tư lớn, khoảng 1 triệu đồng/thùng nên chuyện thua lỗ là điều khó tránh khỏi”.
Với trên 1.000 thùng ong, mỗi lần lấy mật anh Sơn thu về 5 - 6 tấn, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Sơn còn kinh doanh thêm ong giống và bán thùng ong. Theo anh Sơn, ngoài mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi, con ong còn giúp cây ăn quả thụ phấn, diệt trừ một số loài sâu bệnh. Bên cạnh đó, loài ong còn giúp cây vải dọn hoa để hạn chế mật hoa bị keo lại, làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn.
Cũng như anh Sơn, anh Nguyễn Chí Miu đã vượt gần 1.500km từ Đắk Lắk, mang theo 700 thùng ong về Thanh Hà. Anh Miu cho biết: “Tôi phải bỏ ra 40 triệu đồng để thuê xe. Ngoài ra, còn phải chuyển ong vào buổi tối, vì lúc đó ong mới quay về tổ. Thông thường, một đàn ong có 3 loại: ong chúa, ong đực và ong thợ, trong đó ong thợ chuyên làm nhiệm vụ đi lấy mật. Vào mùa khai thác, tuổi thọ của ong thợ dao động từ 35 - 40 ngày. Với 700 thùng ong, mỗi lần lấy mật tôi thu được 3 - 4 tấn. Dự kiến lần về Thanh Hà năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, tôi sẽ lãi khoảng 100 - 200 triệu đồng”.
Tuy mang lại nguồn thu nhập lớn, nhưng nghề nuôi ong cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Miu chia sẻ: “Yếu tố thời tiết là rất quan trọng, nếu mưa nhiều thì sản lượng và chất lượng mật ong sẽ kém. Thêm nữa là thuốc trừ sâu, nếu ong đi lấy mật đúng dịp người dân phun thuốc, ong sẽ chết và chất lượng mật cũng bị ảnh hưởng”.
Ngoài Thanh Bính và Trường Thành, các xã khác trên địa bàn huyện Thanh Hà cũng đã được các chủ nuôi ong chọn làm địa điểm để đặt ong. Mùa hoa vải đã trở thành mùa của những giọt mật ngọt ngào, không những mang lại thu nhập cao cho người nuôi ong mà còn góp phần mang đến vụ vải thắng lợi cho nhà vườn Thanh Hà…