PGS Van Halsema, đến từ Đại học Wageningen (Hà Lan), cho rằng, nông dân ĐBSCL trồng lúa vụ 3 trong đê bao khép kín suốt 15 năm và mang lại sản lượng cao, bảo vệ mùa màng, nhà cửa. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế ngày càng giảm. Ông cũng cho rằng, trong vài thập kỷ qua, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất lúa từ 1 lên 3 vụ dẫn đến thay đổi năng lực trữ nước. “Diện tích lúa vụ 3 tăng lên, sản lượng lúa tăng. Tuy nhiên, kéo theo nhiều hệ lụy là chi phí môi trường lớn, trầm tích phù sa ít đi và độ dinh dưỡng, chất lượng đất, nước đều giảm. Nông dân sử dụng nhiều phân bón, nguồn lợi thủy sản mùa lũ giảm”- ông Gerado Van Halsema nói.
PGS. Gerado Van Halsema cảnh báo, xâm nhập mặn sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong tương lai. “Tuy nhiên, chúng ta không phải sợ hãi, vì các tỉnh có khả năng biến nước mặn thành lợi thế”- ông nói. Theo chuyên gia này, cần phải có chiến lược sống chung với lũ, đồng thời trữ nước một cách hợp lý để sử dụng cho mùa khô.
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về giảm nhưng chúng ta không thể yêu cầu Thái Lan hay Trung Quốc tạm ngưng đắp đê, ngăn đập. “Mình phải bằng lòng với những gì đang có. Đồng thời, làm thế nào với lượng nước ít ỏi đó để giúp nông dân khá hơn”- GS Xuân nói.
Ông cũng chỉ ra rằng, chính việc sản xuất lúa vụ 3 liên tục trong nhiều năm liền đã làm đất hết màu mỡ. Vì thế, muốn lúa tốt không cách nào khác nông dân phải bón nhiều phân đạm. “Một trong những lý do người ta không thích gạo Việt là bón nhiều đạm dẫn đến chất lượng thấp. Nông dân mình thấy lúa có giá cao nên họ tham bón thêm phân đạm vô để tăng năng suất”- GS Xuân nói.
Ông dẫn chứng, cùng 2 kg lúa giống Nhật, nhưng lúa sản xuất tại An Giang gạo không ngon bằng lúa sản xuất tại Nhật. “Họ phân tích ra là gạo trồng ở quê mình bón quá nhiều phân đạm. Đây là tai hại do trồng quá nhiều lúa trên đất, bón nhiều phân, quyến rũ sâu hại nên chỉ làm giàu cho nhà sản xuất phân bón, còn nông dân vẫn nghèo”- GS Xuân cảnh báo.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái dẫn ra rằng, trong 20 năm qua, không gian hấp thu lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã bị chiếm nhiều bởi các ô đê bao khép kín canh tác 3 vụ lúa/năm (hàng năm mỗi vùng ngập sâu đến 3,5 m nên có thể hấp thu 9 - 10 tỷ mét khối mỗi vùng). Cụ thể, trong 12 năm (từ 2000 - 2012) diện tích lúa 3 vụ ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An đã tăng 7 lần, từ 53.000ha lên 403.000 ha.
Bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, một vấn đề quan trọng là sự thay đổi khả năng giữ nước và biến động lũ lụt ở các tỉnh thượng lưu ĐBSCL. Những thay đổi này chủ yếu là do chuyển sang trồng lúa vụ 3. “Chính thay đổi này đã làm thay đổi sinh kế của nông dân ĐBSCL”- bà Nienke Trooster nói.
Gần 36.500 ha đủ nước vụ Đông Xuân Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến 15 giờ ngày 10/1, tổng diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2016-2017 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gần 36.500 ha, đạt gần 6% so với tổng diện tích gieo trồng. Những địa phương có diện tích đủ nước cao là Phú Thọ (44%), Ninh Bình (23%) và Vĩnh Phúc (10%). Lịch lấy nước đợt 1 bắt đầu từ 0h ngày 10/1 và kết thúc lúc 24h ngày 15/1 (6 ngày). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nước cho hạ du. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội từ 0h đến 15h ngày 10/1 đạt trung bình + 2,27m, cao nhất lúc 13 giờ đạt 2,4 m. Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương vận hành các phương tiện để đưa nước lên ruộng, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn