Thiệt hại từ việc nuôi đuông dừa
Các hộ nuôi đuông dừa dùng các hình thức che đậy tinh vi, có hộ nuôi giấu trong nhà, rất khó phát hiện. Thời gian qua, qua tố giác của người dân, Đội kiểm tra liên ngành huyện đã phát hiện 3 hộ nuôi đuông dừa. Trong đó, có 1 hộ lần thứ 2 nuôi đuông dừa. Dịch phân đuông dừa hiện vẫn còn thải ra bên ngoài môi trường và mức độ tàn phá diện tích dừa tăng nhanh, làm giảm năng suất, lợi nhuận kinh tế cho người trồng dừa.
Hộ ông Lê Hữu Khánh, ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận, trồng dừa trên 15 năm với diện tích 2.000m2. Khoảng 2 năm nay, khi vườn dừa nhà ông đang cho trái thì đuông dừa xuất hiện nhiều và tàn phá hơn 1.000m2 vườn dừa. Có những cây dừa bị đuông đục không còn cách cứu chữa buộc ông phải bứng gốc bỏ đi. Ông Hữu Khánh cho biết: “Đuông dừa là loại thù địch nhất của cây dừa. Chúng có khả năng phát tán nhanh và rộng, phá hủy nhanh diện tích vườn dừa. Một số người dân ở đây thấy lợi nhuận kinh tế nuôi đuông dừa mang lại cao nên đã lén nuôi. Trong quá trình nuôi, thành trùng đuông dừa có khả năng bay ra ngoài và phát tán lây lan”.
Hộ ông Phạm Văn Sang, ấp Phú Long, xã Phú Thuận cũng đã gắn bó với nghề trồng dừa hơn 20 năm. Ông Sang chia sẻ: “Tôi vừa đốn bỏ 30 cây dừa trên diện tích 1.500m2 do đuông dừa tàn phá và trồng mới lại vườn dừa. Đây là lần thứ 2 tôi phải trồng mới vườn dừa do bị đuông dừa phá hoại. Tôi đang lo đuông dừa tấn công 1ha dừa còn lại của gia đình”. Ông Sang đang tích cực phòng trừ đuông hại dừa bằng các loại thuốc nông nghiệp nhưng ông cho biết, cách phòng đuông hiệu quả là phải loại trừ được kiến vương đang phát tán nhanh ngoài môi trường.
Được biết, đuông dừa là loài côn trùng gây hại phổ biến trên các vườn dừa. Chúng thường gây hại bằng cách đẻ trứng vào lỗ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại tàu hủ, xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân. Cho nên, đuông dừa là loài dịch hại nguy hiểm nhất đối với cây dừa, khó phòng trừ nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức. Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001 quy định rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe nhân dân, môi trường và hệ sinh thái”. Ngày 27-9-2013, Cục Bảo vệ thực vật đã có Công văn số 1955 về việc nghiêm cấm việc nhân nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức.
Ông Nguyễn Thành Sa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Đuông dừa đã tấn công vườn dừa trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đặc biệt là trên địa bàn xã Phú Thuận, gây thiệt hại nghiêm trọng. Huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, kéo giảm tình trạng đuông dừa hại dừa; trong đó, nghiêm cấm, kiểm tra, cưỡng chế những hộ nuôi đuông dừa. Trong thời gian tới, căn cứ vào chức năng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng trừ dịch hại đuông dừa; tăng cường tuyên truyền mức độ nguy hiểm về tình hình nuôi đuông dừa; thực hiện nhiều biện pháp khôi phục lại vườn dừa bị thiệt hại, góp phần giúp người trồng dừa tăng năng suất cây trồng, ổn định cuộc sống.
Để ngăn chặn dịch hại đuông dừa, ngành chức năng cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa trong công tác phòng và trị triệt để dịch đuông dừa. Người dân phải nắm được quy định cấm nhân nuôi, buôn bán dịch hại nói chung, đuông dừa nói riêng để thực hiện đúng pháp luật, góp phần bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp, giữ vững giá trị của cây dừa mang lại trong đời sống.
Nguồn: "Đồng Khởi Điện Tử"
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn