Tính đến thời điểm này, mực nước tại các hồ chứa vừa và nhỏ khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đều ở mức thấp, thậm chí một số địa phương có nhiều hồ chứa cạn kiệt như Bình Định có 3 hồ chứa dung tích chỉ đạt khoảng 14% thiết kế, hồ Tân Giang (Ninh Thuận) chỉ có 3,09/13,49 triệu m3...
Các hồ chứa nhỏ dung tích còn lại không nhiều, khoảng 2/3 số hồ đã gần xuống mực nước chết hoặc đã cạn nước.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn ở hầu hết các cửa sông cao hơn mức bình thường hàng năm, nhất là các khu vực ở xa dòng sông chính như sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây... Từ đầu tháng 5 đến nay, do có mưa, dòng chảy về hạ du sông Cửu Long tăng lên, nên xâm nhập mặn tại các cửa sông đã được cải thiện, độ mặn đã giảm xuống.
Trước diễn biến bất lợi về thời tiết như hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương sớm bố trí sản xuất vụ hè thu 2013 theo khả năng nguồn nước và triển khai các giải pháp tích nước hồ chứa, nạo vét, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm, xả nước hồ thủy điện để chống hạn, cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, các địa phương đã chuyển đổi cây trồng hoặc ngừng sản suất vụ hè thu. Đến nay toàn vùng đã có hơn 11.000ha phải ngừng sản xuất, hơn 6.220ha chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn như ngô, đậu, rau màu...
Đồng thời, các địa phương cũng áp dụng các giải pháp như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, vận dụng kỹ thuật gieo thẳng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi, tổ chức lấy nước theo lịch để phòng, chống hạn.
Vụ hè thu 2013, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch sản xuất gần 1,9 triệu ha, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là gần 1,7 triệu ha, Duyên hải Nam Trung bộ hơn 200.000ha.
Đến thời điểm này, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã gieo sạ gần 40.000ha; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được khoảng 1,3 triệu ha.
Thành Trung
(Theo TTXVN)