Ruốc trúng đậm, người dân thu bạc triệu mỗi ngày
Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, ngư dân Bạc Liêu lại bắt đầu mùa thu hoạch con ruốc. Từ đầu năm đến nay ngư dân vùng biển huyện Đông Hải, TP. Bạc Liêu như được biển “mừng tuổi” khi liên tiếp trúng đậm mấy con nước ruốc.
Theo ngư dân ở phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, con ruốc năm nay xuất hiện sớm hơn mọi năm và sản lượng cũng khá lớn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một chủ phương tiện đánh bắt ở phường Nhà Mát phấn khởi: Đang nghỉ tết nghe tin con ruốc xuất hiện nhiều, gia đình phải gác lại chuyện sum vầy, huy động mọi người chuẩn bị ngư cụ ra biển. “Người thì điều khiển ghe, người kéo lưới, người tải ruốc vào bờ, còn phụ nữ ở nhà chuẩn bị xe kéo, lưới phơi ruốc...”, ông Tuấn giãi bày.
Theo người dân nơi đây, khai thác ruốc là hình thức đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày. Những ngày xuất hiện lượng ruốc nhiều, mỗi ghe khai thác được từ 1 – 2 tấn ruốc tươi.
Không riêng ở Nhà Mát, mà các cửa biển lớn của Bạc Liêu như Gành Hào, Cái Cùng…, ngư dân đều đang tăng cường khai thác ruốc. Nhiều người dân đánh bắt tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết, đây là con nước biển thứ hai trúng đậm ruốc, mỗi ngày ngư dân thu vài triệu bạc là chuyện thường.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, một hộ đánh bắt ruốc tại cửa biển Gành Hào cho biết: Hai ngày qua ông đã thu được gần 11 triệu đồng tiền bán ruốc. Mới đầu mùa mà con ruốc trúng dữ, bà con ở đây ai cũng kỳ vọng sẽ có một mùa ruốc bội thu.
Vùng biển Bạc Liêu năm nay được mùa ruốc nên rất nhiều ghe, tàu ở các địa phương khác tràn về cùng đánh bắt. Tại Gành Hào, không khó để nhận ra rất nhiều tàu ghe mang biển số Cà Mau đang hoạt động đánh bắt. Thậm chí nhiều ngư dân Cà Mau đã qua vùng biển này từ trước tết tìm nơi ở, mướn sân phơi và cùng chia “lộc” với người địa phương.
Ông Nguyễn Văn Huyến quê ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chia sẻ: Đã theo nghề đánh bắt ruốc 5 năm. Mùa ruốc ở vùng biển Cà Mau và Bạc Liêu có sự khác biệt rất lớn. Ở vùng biển Tây Cà Mau con ruốc xuất hiện khoảng giữa năm, còn ở vùng biển Bạc Liêu thì lại có ngay dịp đầu năm mới. Qua hai con nước ruốc, ông Huyến đã thu trên 40 triệu đồng, năm nay nhờ giá xăng dầu giảm, nên trừ chi phí, tính cả tiền ăn uống chưa hết 10 triệu đồng, lãi 30 triệu đồng trong vòng chưa tới một tháng.
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: Năm nay con ruốc không chỉ trúng mùa mà còn được giá. Trung bình một ngày, có phương tiện khai thác thu lãi từ 5 - 10 triệu đồng.
Hiện giá ruốc khô được các thương lái, DN thu mua từ 50.000 - 55.000đ/kg, so với cùng kỳ năm ngoái cao hơn 10.000đ/kg nên ngư dân rất phấn khởi, an tâm bám biển. Mùa ruốc đến sớm đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn ngư dân ở vùng ven biển Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
Ruốc xuất đi nước ngoài
Theo ngư dân, sở dĩ con ruốc khô năm nay bán được giá cao, khai thác với sản lượng lớn đều được tiêu thụ hết là nhờ được chế biến XK ra thị trường nhiều nước thuận lợi. Điển hình tại phường Nhà Mát có DNTN Thùy Dung chuyên thu mua và chế biến con ruốc XK với quy mô khá lớn. Theo chủ DNTN Thùy Dung, cơ sở có trên 10 năm hoạt động chuyên thu mua, chế biến ruốc XK. Bình quân mỗi năm DN thu mua khoảng 500 tấn con ruốc khô, tương đương hàng ngàn tấn ruốc tươi để chế biến. Ngoài thu mua con ruốc khô ở các cửa biển trong tỉnh Bạc Liêu, DN còn tìm kiếm, thu mua ở các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL, như Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang.
Chủ DN này cho biết thêm, do con ruốc khai thác trong tự nhiên ở các cửa biển luôn có hình dáng bóng, đẹp, sạch, được nhiều nước ưa chuộng, tiêu thụ mạnh. Sau khi thu mua ruốc khô trong dân, DN thuê mướn công nhân phân cỡ, loại các tạp chất, sơ chế, chế biến ra nhiều mặt hàng như ruốc khô, muối ruốc, ruốc sấy…
Hiện các mặt hàng con ruốc chế biến được DNTN Thùy Dung XK sang thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Chính nhờ ăn nên làm ra đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 60 lao động nhàn rỗi ở vùng ven biển thuộc TP.Bạc Liêu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn