Mặc dù cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng những trận mưa trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều diện tích rau, hoa màu ở ngoại thành. Ngay sau khi bão tan, bà con nông dân đã tích cực ra đồng tháo nước, chăm sóc, bón phân cho cây trồng.
Nhiều diện tích rau màu bị ảnh hưởng Sau đợt mưa bão, nhiều ruộng rau tại "vựa" rau Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức vẫn còn đọng nước trên dõng, một số ruộng rau lá úa vàng vì úng nước. Trên ruộng cà chua gần 2 sào của gia đình, ông Lưu Trọng Thìn cẩn thận săm soi từng gốc cây non mới cấy được chừng mươi ngày. Theo ước tính của ông Thìn, tỷ lệ cây bị chết chiếm từ 10 - 15%. "Mỗi sào trồng được khoảng 1.000 cây cà chua, giá cây giống từ 1.500 - 1.600 đồng/cây. Với tỷ lệ chết như hiện nay, tôi phải bỏ ra từ 100.000 - 150.000 đồng/sào để dặm lại" - ông Thìn tính toán.
Bà Nguyễn Thị Dần, tổ dân phố Thượng, phường Tây Tựu tỉa bớt nụ hoa cúc sau đợt mưa bão vừa qua. Ảnh: Quang Thiện
Không chỉ cà chua, nhiều loại rau khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể do mưa bão, nặng nhất là các loại rau ăn lá và mướp đắng. Theo bà con nông dân, do mưa nhiều, cây mướp đắng bị dập, nấm lá, rụng hoa, tỷ lệ đậu quả ít, nhiều ruộng mướp đắng ở Phương Viên bị rụng hoa tới 30%. Tuy nhiên, bù lại, trong mấy ngày qua, giá rau nhích lên một chút. Cụ thể, cải mơ giá 2.000 đồng/mớ, tăng 500 - 700 đồng/mớ so với thời điểm trước bão. Giá mướp đắng hiện từ 4.000 - 5.000 đồng/kg... Không chỉ rau xanh, nhiều diện tích hoa ở ngoại thành cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Trên vùng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), nhiều ruộng hoa hồng, cúc đã có dấu hiệu vàng lá do đất ngấm nhiều nước. Bà Nguyễn Thị Dần, tổ dân phố Thượng, phường Tây Tựu cho biết, ruộng cúc của gia đình bà đã bị chết một số cây, phải nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến cây khác, còn hoa hồng thì bông nhỏ, nụ bị dập. Đáng lo nhất là sau mưa, trời nắng to càng khiến cho cây hoa bị héo, sức sống kém. Bên cạnh nhà bà Dần, ruộng hoa cúc của gia đình anh Chu Văn Tuấn đã bị chết gần như hoàn toàn. Bà Dần chia sẻ: "Đầu tư giống, phân bón và bao nhiêu công sức, qua trận mưa mà hoa chết cũng xót lắm". Tập trung chăm sóc Nhằm khắc phục những tác động xấu của mưa bão, mấy ngày qua, bà con nông dân các huyện đã tích cực ra đồng tỉa, dặm, chăm sóc cây trồng. Sau mưa, sâu bệnh phát triển khá nhiều trên cây hoa như nấm đen, rầy... Do đó, cùng với biện pháp tăng cường bón phân, người dân còn tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật để cây sớm phục hồi. Ông Nguyễn Phan Tửu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tây Tựu cho biết, diện tích hoa của xã vẫn duy trì khoảng trên 300ha. Dù đợt mưa bão vừa qua không gây ngập úng, nhưng để cây hoa phát triển tốt, sau khi mưa kết thúc, bà con nông dân đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ông Nguyễn Văn Tuất - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, đến nay, Hoài Đức đã cơ bản hoàn thành cấy xong diện tích lúa mùa. Trong cơn bão số 2 vừa qua, lượng mưa bình quân trên địa bàn huyện chỉ khoảng 33 - 60mm. "Tuy chưa xảy ra úng ngập, thiệt hại nhưng Phòng Kinh tế huyện đã theo dõi sát sao và hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng" - ông Tuất cho biết. Cùng với các biện pháp khắc phục, hiện nay, tại nhiều địa phương, bà con nông dân tiếp tục làm đất, gieo trồng lứa rau, hoa mới. Nhiều HTX cũng tiến hành nạo vét lại hệ thống kênh mương để chủ động tiêu thoát úng cho những đợt mưa sắp tới.