Chiều 24/4, khi chúng tôi có mặt tại vùng nuôi tôm xã Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu), ông Nguyễn Hồng Cương, một chủ đầm cho biết buổi sáng đoàn cán bộ của Chi cục Thú y đến kiểm tra lấy mẫu để chuẩn bị tiêu huỷ thêm 2 đầm tôm (1,2 ha) còn lại của gia đình ông. Với bộ mặt rầu rĩ, ông Cương cho biết: Tôi đấu thầu đất để làm đầm nuôi tôm tại xóm Đông Triều, xã Quỳnh Dị đã mấy năm nay. Là một người từng làm nghề ương tôm giống bán cho bà con nên hễ vào vụ thả tôm là tôi xử lý ao đầm rất bài bản và khoa học.
Lượng Cloramin (Nhật Bản SX) với giá 2,8 triệu đồng/thùng đánh trước khi thả đều từ 5 - 7 thùng/ha (loại 45 lít/thùng) nên có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề xử lý môi trường. Thế mà năm nay tôm của tôi vẫn “dính” bệnh. Ngày 28/3, tôi lấy trên 3 triệu con tôm giống của Công ty CP Thái Lan (ươm tại xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu) với giá 90 đồng/con về thả xuống 3,2 ha ao đầm. Sau 8 ngày nuôi kiểm tra đã thấy hiện tượng tôm ăn ít, chậm lớn, lờ đờ rồi chết dần, tỷ lệ 1-2%/ngày... Tôi báo cho đại diện Công ty CP và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh đến kiểm tra, lấy mẫu đi xét nghiệm xem đó là bệnh gì nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Thế là ngày 8/4, tôi quyết định “xử” ngay 2 ha khi con tôm trong đầm mới lớn bằng que diêm. Và ngày 25/4, tôi sẽ xử lý nốt hơn 1 ha còn lại. Công sức, tiền của bỏ ra phải huỷ đi đau đớn và xót lắm...
Chúng tôi quay sang đầm tôm của ông Nguyễn Ngọc Nghĩa, trú tại xóm Quang Trung, xã Quỳnh Phương đang nuôi cách đầm tôm của ông Cương khoảng 1.000 mét hiện đang có 1 ha bị bệnh tương tự. Khác với đầm của ông Cương mới thả được 8 - 9 ngày, ông Nghĩa lấy tôm giống của Công ty CP thả trước đó 2 tuần. Đến nay tôm của ông Nghĩa đã nuôi được 21 ngày, to gần bằng đầu đũa.
Hộ ông Nguyễn Ngọc Nghĩa vẫn cho tôm đã bị bệnh ăn
Do vậy mặc dù thấy tôm có hiện tượng chết từ từ mỗi ngày 1 – 2% nhưng ông Nghĩa vẫn chưa đặt vấn đề tiêu huỷ mà cố nuôi kéo dài thêm một thời gian nữa rồi tính. Trả lời chúng tôi, ông Nghĩa cho biết: Trong đầm tỷ lệ tôm chết thấp, những con tôm khoẻ vẫn thấy ăn và lớn bình thường. Những con chết vớt lên bóc ra kiểm tra thì thấy ruột không có gì, gan teo. Đây hoàn toàn không phải là bệnh đốm trắng, đốm vàng (các bệnh làm cho tôm chết hàng loạt) như từng xẩy ra trước đây. Quan điểm của ông Nghĩa là chấp nhận tỷ lệ tôm chết dần mỗi ngày, tiếp tục chăm sóc, cho tôm ăn thêm khoảng 10 - 15 ngày nữa cho những con tôm khoẻ mạnh lớn thêm để thu nhằm gỡ gạc lại ít vốn cho vụ thả sau...
Không riêng gì hai khổ chủ nói trên, theo thống kê của các địa phương trong huyện thì số đầm tôm bị dính bệnh lạ này xuất hiện tại nhiều nơi. Trong đó tại Nông trường Trịnh Môn có 2 hộ nuôi (anh Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Văn Hướng) mỗi người đều bị 2 đầm (khoảng 1 ha/người). Ông Trần Ngọc Vang ở Quỳnh Thuận cũng có 1 đầm tôm khoảng 4.000 m2 cũng bị dính... Tất cả các hộ nuôi tôm tại Quỳnh Lưu bị dính bệnh lạ này đều sử dụng giống tôm thẻ chân trắng do Công ty CP (Thái Lan), một đơn vị SX, cung ứng giống có uy tín tại địa bàn tỉnh Nghệ An, trực tiếp cung cấp. Bởi vậy, chúng tôi tìm đến Trại ương tôm giống của Công ty CP đóng trên địa bàn xã Quỳnh Liên để tìm hiểu nguyên nhân.
Bà Marisa, Giám đốc điều hành trại ương tôm giống Quỳnh Liên thừa nhận căn bệnh lạ này xuất hiện trên các đầm tôm do cơ sở ương giống của bà cung cấp là có thật và cho biết: Tôi cũng không hiểu tại sao. Bởi chúng tôi lấy mẫu gửi vào Bình Định xét nghiệm vẫn không tìm ra bệnh gì. Riêng những con tôm còn khoẻ mạnh vớt từ đầm tôm của ông Nguyễn Hồng Cương đưa vào chậu nuôi 2 ngày liền tôm vẫn ăn và khoẻ mạnh. Cùng một ngày nhận giống mà ở hộ nuôi tôm này thì tôm phát triển bình thường, còn ở hộ khác tôm lại có bệnh. Riêng chúng tôi trước khi bán giống đều lấy mẫu kiểm tra thấy không có bệnh mới xuất cho khách hàng...
Ông Nguyễn Hồng Cương cho rằng: “Năm nay tôm chết chủ yếu do bệnh về gan, tuỵ. Đây là căn bệnh đã xuất hiện trước đây tại nhiều nước, riêng ở Việt Nam mới xuất hiện lẻ tẻ vài năm nay và lần đầu tiên xuất hiện ở Nghệ An. Tôi mở mạng Google.com tìm hiểu thì thấy một số nơi gọi đó là bệnh “chết sớm” còn nguyên nhân vì sao thì chưa thấy ai đề cập đến (?!). Cũng theo ông Cương, căn bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc chữa trị nên phải tiêu huỷ sớm. Tỷ lệ chết hàng ngày trong đầm chỉ 1-2% nhưng sau đó chính những con tôm khoẻ ăn phải phần thối rữa của những con tôm chết thì cũng sẽ chết theo, tai hại nhất là sẽ tạo ra mầm bệnh cho cả khu vực nuôi tôm rộng lớn của huyện. Bởi thế, trong các đầm tôm của ông tuy mới chớm bệnh nhưng vì tính cộng đồng nên ông chấp nhận tiêu huỷ và xử lý môi trường thật triệt để trước khi thả vụ mới còn hơn cố gắng nuôi để vớt vạt thêm vốn nhưng sẽ để lại di hại lâu dài về sau.
BOX: “Theo tôi, bà con đổ lỗi cho tôm giống của Công ty CP kém chất lượng chưa chắc đúng. Tôi tin chờ một thời gian nữa, tôm giống các đơn vị khác cung ứng ở Nghệ An cũng sẽ xuất hiện dịch bệnh này". Ông Nguyễn Hồng Cương.
Nguồn nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn